Thời điểm cách đây nửa năm, rất nhiều nông dân đã kỳ vọng vào hiệu lực của Quyết định 68 của Chính phủ về cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch. Thực chất, Quyết định 68 là một "phiên bản nâng cấp" của Quyết định 63 được ban hành năm 2010 cũng cùng mục đích hỗ trợ vốn cho nông dân.
Thời điểm cách đây nửa năm, rất nhiều nông dân đã kỳ vọng vào hiệu lực của Quyết định 68 của Chính phủ về cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch. Thực chất, Quyết định 68 là một “phiên bản nâng cấp” của Quyết định 63 được ban hành năm 2010 cũng cùng mục đích hỗ trợ vốn cho nông dân.
Quyết định 63 ra đời đã 3 năm và được phổ biến rộng rãi trong cả nước, trong đó quy định rõ nông dân vay mua máy móc tùy điều kiện sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, 50% lãi suất năm thứ 3 cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng hiệu quả của quyết định này rất hạn chế. Tại Đồng Nai, dư nợ của Quyết định 63 từ năm 2010 đến 2013 vẫn “lẹt đẹt” ở con số 700-800 triệu đồng, toàn tỉnh chỉ có 3 hộ vay được tiền theo nội dung này. Trong đó, khó khăn nhất là quy định yêu cầu các đối tượng phải mua máy móc, thiết bị có tỷ lệ nội địa hóa trên 60% và phải nằm trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn công nhận. Trong khi theo thống kê, cả nước có khoảng 44 doanh nghiệp sản xuất các loại máy móc, thiết bị này, lại không đa dạng, chưa kể tỷ lệ nội địa hóa rất thấp.
Không chỉ Đồng Nai, nhiều địa phương trên cả nước cũng than trời vì “gỡ” không nổi các quy định éo le của Quyết định 63.
Và rồi năm 2014, Chính phủ cho ra đời Quyết định 68 với những quy định “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai Nguyễn Hùng Mạnh cho biết, Quyết định 68 đã có hiệu lực gần 6 tháng nhưng đến nay các ngân hàng vẫn chưa triển khai được vì thông tư hướng dẫn chậm trễ. Khi có thông tư, các ngân hàng lại tiếp tục chờ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Bộ Công thương ban hành danh mục máy móc, thiết bị vì danh mục máy móc theo Quyết định 63 không còn phù hợp với điều kiện mới. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã nhiều lần kiến nghị các bộ sớm ban hành danh mục mới để nhanh chóng triển khai chương trình đến nông dân.
Ai cũng biết, nhu cầu vốn ở nông thôn là đa dạng và cấp bách vì mùa vụ không chờ người vay vốn. Đã nửa năm trôi qua mà những thủ tục cần thiết để Quyết định 68 có thể triển khai đến nông dân vay tiền vẫn ì ạch trên giấy, mặc cho nông dân sốt ruột.
“Hết sáu ba, qua sáu tám” chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự ì ạch, chậm trễ và quan liêu của chính sách, trong khi khu vực nông nghiệp - nông thôn đang là địa bàn nóng cần những hỗ trợ thiết thực về tiếp cận vốn, đặc biệt giữa thời điểm thị trường nông sản cạnh tranh nhanh và quyết liệt. Có lẽ, cần xem xét lại cách mà các chủ trương, chính sách hỗ trợ đi vào thực tiễn cuộc sống, để tránh bớt “bệnh quan liêu” trong chính sách hướng đến tam nông.
Kim Ngân