Ngày 11-6 là hạn chót để các doanh nghiệp sữa công bố bảng giá bán buôn đến các đại lý, để từ đó có cơ sở tính giá trần bán lẻ đến tay người tiêu dùng vào ngày 21-6 tới. Tuy vậy, theo khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai tại các siêu thị và đại lý sữa lớn ở TP.Biên Hòa ngày 11-6 cho thấy, chỉ có 4/5 hãng sữa công bố bảng giá bán buôn đến đại lý. Riêng "ông lớn" Vinamilk đến chiều 11-6 đã được Bộ Tài chính phê duyệt bảng giá trần.
Ngày 11-6 là hạn chót để các doanh nghiệp sữa công bố bảng giá bán buôn đến các đại lý, để từ đó có cơ sở tính giá trần bán lẻ đến tay người tiêu dùng vào ngày 21-6 tới. Tuy vậy, theo khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai tại các siêu thị và đại lý sữa lớn ở TP.Biên Hòa ngày 11-6 cho thấy, chỉ có 4/5 hãng sữa công bố bảng giá bán buôn đến đại lý. Riêng “ông lớn” Vinamilk đến chiều 11-6 đã được Bộ Tài chính phê duyệt bảng giá trần.
Sau nhiều lần thất bại với các phương pháp, như: bình ổn giá, đăng ký giá đầu vào, giải trình khi tăng giá… đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính tỏ ra mạnh tay nhất trong việc quản lý giá sữa. Bằng Quyết định 1079, 25 sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi phải áp giá trần bán buôn từ ngày 1-6-2014, giá trần bán lẻ từ 21-6, Bộ Tài chính mong muốn thị trường sữa sẽ được dẹp yên sau hàng năm trời “loạn” giá.
Từ kinh nghiệm của những lần thất bại trước, lần này Bộ Tài chính tuyên bố đã dự phòng các trường hợp lách trần giá sữa. Nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, tại cuộc họp báo buổi chiều 27-5 về triển khai áp giá trần với mặt hàng sữa, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), cho biết sau khi có biện pháp bình ổn giá mới, cơ quan quản lý đã phát hiện một số chiêu lách luật của doanh nghiệp, như: thay đổi mẫu mã, trọng lượng sản phẩm. Chính vì vậy, Bộ đã “đi trước một bước” bằng cách quy định, nếu doanh nghiệp thay đổi trọng lượng sản phẩm thì giá mới phải được tính toán lại theo đúng trọng lượng mới. Nếu thay đổi bao bì hay thông tin chất lượng, doanh nghiệp phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời giá bán cũng phải được tính lại.
Tuy nhiên, đây có lẽ sẽ là một cuộc “đấu trí” không đơn giản giữa nhà sản xuất và cơ quan quản lý. Hiện tại, hãng Mead Johnson đã ngưng cung cấp các mẫu sữa có trong danh mục áp giá trần mà hãng đã đăng ký và cho ra các sản phẩm sữa mới có giá bán còn cao hơn so với trước. Cụ thể, các sản phẩm của hãng sữa Mead Johnson, như: Enfamil A+1,2 và Enfagrow A+3 sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+1 360* Brain Plus và Enfagrow A+2 360* Brain Plus… đều có giá bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50 ngàn đồng/lon 900g. Trên các diễn đàn, những người tiêu dùng đang theo dõi vấn đề này cũng “tố” một số nhãn hàng giảm trọng lượng từ 50 - 100g so với trước. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng chưa có phản hồi gì về điều này.
Mọi thắc mắc có thể sẽ được giải đáp sau khi giá bán lẻ chính thức được áp dụng từ ngày 21-6, song nhiều ý kiến dự đoán “cuộc chiến” giá sữa sẽ thực sự là một màn “đấu trí” khá căng thẳng giữa cơ quan quản lý và nhà sản xuất, bởi sự hấp dẫn của những khoản lợi nhuận khổng lồ luôn luôn rất lớn, đặc biệt khi những khoản lợi nhuận đó được điều khiển bởi những nhà sản xuất nước ngoài dạn dày kinh nghiệm. Có chăng, kế sách lâu dài mà các nhà hoạch định chính sách cần tính toán, là làm sao thay đổi được thị hiếu xài sữa ngoại của người tiêu dùng, đồng thời đa dạng hóa các thương hiệu sữa chất lượng sản xuất trong nước.
Kim Ngân