Có một nghịch lý đã tồn tại khá lâu tại các bệnh viện công lập, đó chính là sự phân biệt đối xử đối với bệnh nhân khám bệnh bằng bảo hiểm y tế thông thường và khám dịch vụ. Cùng một loại bệnh ở cùng một bệnh viện, có bệnh nhân mất cả ngày trời chờ đợi, chầu chực mới đến lượt thì không ít người bệnh chỉ mất 1 giờ đồng hồ cho tất cả các quy trình, từ khám đến lấy thuốc.
Có một nghịch lý đã tồn tại khá lâu tại các bệnh viện công lập, đó chính là sự phân biệt đối xử đối với bệnh nhân khám bệnh bằng bảo hiểm y tế thông thường và khám dịch vụ. Cùng một loại bệnh ở cùng một bệnh viện, có bệnh nhân mất cả ngày trời chờ đợi, chầu chực mới đến lượt thì không ít người bệnh chỉ mất 1 giờ đồng hồ cho tất cả các quy trình, từ khám đến lấy thuốc. Tất nhiên, để có được sự nhanh chóng này, bệnh nhân phải đóng thêm một khoản chênh lệch đáng kể.
Không ai phủ nhận những tiện ích mà dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu đem đến cho bệnh nhân: nhanh chóng, tiện lợi, nhiều ưu đãi. Điều này khác hẳn với việc khám chữa bệnh thông thường: chật chội, đông đúc, nhếch nhác… Để có được những tiện ích này, các bệnh viện đã thực hiện chủ trương xã hội hóa bằng hình thức góp vốn mua sắm trang thiết bị và mở các khoa, phòng khám chữa bệnh theo yêu cầu. Từ chủ trương này, nhiều bệnh viện đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để mua sắm, trang bị mới những thiết bị y tế đắt tiền, như: MRI, CT.Scanner, PET CT… Nhiều loại máy móc phục vụ công tác khám chữa bệnh ở khu vực khám bệnh công không có, hoặc lạc hậu, lại đàng hoàng có mặt ở khu vực khám chữa bệnh theo yêu cầu mà không cần vốn từ ngân sách nhà nước hoặc bệnh viện bỏ ra.
Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có chủ trương cổ phần hóa các bệnh viện công lập, nhưng thực tế các thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đáng nói là thiết bị y tế ấy được lắp đặt, sử dụng ở ngay bệnh viện công, do chính nguồn nhân lực của các bệnh viện công thực hiện. Tương tự, với các khoa khám bệnh theo yêu cầu, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế được lên lịch rất rõ ràng về việc một tuần làm việc bao nhiêu buổi ở khu vực “công”, bao nhiêu buổi ở khu vực “tư”. Thái độ ứng xử của nhân viên y tế khi khám theo yêu cầu cũng khác hẳn lúc khám bệnh cho bệnh nhân đại trà. Điều này có vẻ bất công đối với bệnh nhân nhưng hoàn toàn dễ hiểu, bởi như thừa nhận của một bác sĩ thì nguồn thu nhập khi khám bệnh theo yêu cầu cùng phần trăm ăn chia từ việc góp vốn mua sắm trang thiết bị y tế mới là thu nhập chính, nhất là với những bác sĩ không có phòng mạch tư nhân.
Rõ ràng, đang có sự lẫn lộn công - tư trong công tác khám chữa bệnh ở nhiều bệnh viện. Điều này tạo thuận lợi cho người bệnh có khả năng chi trả, nhưng lại đẩy bệnh nhân khám chữa bệnh thông thường vào tình thế bị đối xử bất công. Đó là chưa kể tình trạng lạm dụng dịch vụ, thuốc, thiết bị y tế vào chẩn đoán, điều trị bệnh để thu lời từ các thiết bị đã đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Điều này khá nguy hiểm, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân với mục tiêu tất cả mọi người đều được hưởng công bằng khi khám chữa bệnh.
Nguyễn Phượng