Báo Đồng Nai điện tử
En

Lòng yêu nước chân chính

08:05, 15/05/2014

Kể từ cái mốc ngày 2-5, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp trên vùng biển Việt Nam, gây hấn, khiêu khích, tấn công các tàu thực thi pháp luật của nước ta, dư luận trong và ngoài nước đã dấy lên làn sóng mạnh mẽ phản đối hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của chính quyền Trung Quốc.

Kể từ cái mốc ngày 2-5, khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 phi pháp trên vùng biển Việt Nam, gây hấn, khiêu khích, tấn công các tàu thực thi pháp luật của nước ta, dư luận trong và ngoài nước đã dấy lên làn sóng mạnh mẽ phản đối hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của chính quyền Trung Quốc.

Những ngày qua, người dân Việt Nam đã thể hiện tình yêu đất nước nồng nàn dưới nhiều hình thức, như: míttinh, tuần hành phản đối hành vi xâm phạm của Trung Quốc; gửi các tuyên bố, thông báo đến Chính phủ Trung Quốc để bày tỏ lập trường; đóng góp ủng hộ tinh thần và vật chất đến các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam… Anh kỹ sư trẻ lẳng lặng đến tòa soạn Báo Đồng Nai đóng góp một phần lương; cả gia đình chị tiểu thương chắt chiu những đồng tiền đẫm mồ hôi mong “góp chút đỉnh”; toàn thể cán bộ, nhân viên một công ty đồng lòng đóng góp một ngày lương ủng hộ các chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc ở biển Đông. Rồi hơn 800 giáo viên, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn đã xếp thành hình bản đồ Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, khẳng định đó là vùng đất thiêng liêng của đất nước không thể tách rời; một số học sinh khác thì viết thư, lên Facebook gửi lời động viên đến các chiến sĩ... Mỗi người có cách thể hiện tình cảm khác nhau, nhưng tựu trung đều ủng hộ quan điểm giải quyết vấn đề biển Đông một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Mới đây, một số cá nhân đã bày tỏ sự phản ứng đối với Trung Quốc bằng cách “tẩy chay” hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc, không đi du lịch Trung Quốc. Đó là quyền của mỗi cá nhân. Đi xa hơn, vài ngày qua một số công nhân ở Bình Dương, Đồng Nai đã có hành động quá khích là đập phá các công ty có vốn đầu tư của Trung Quốc, đến đây đã là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này, gợi nhớ đến trong sự kiện tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản, một số cư dân quá khích của Trung Quốc đã tấn công, đập phá, “hôi của” các công ty, cửa hàng của Nhật, thậm chí đánh đập những người Nhật sinh sống tại Trung Quốc. Hành vi thiếu văn hóa ấy đã bị cả cộng đồng thế giới phê phán, lên án. Hình ảnh “người Trung Quốc” khi ấy trở nên xấu xí trong mắt mọi người. Lẽ nào, đến nay chúng ta đáp trả lại hành động gây hấn của Trung Quốc bằng cách lập lại một “hình ảnh xấu xí” khác?

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ vừa qua, Đảng ta từng khẳng định quan điểm chống thực dân, đế quốc xâm lược chứ không phải chống nhân dân Pháp và Mỹ. Trong thực tế, đã có rất nhiều người dân Pháp, Mỹ tiến bộ đã ủng hộ phong trào cách mạng Việt Nam. Đến nay, quan điểm này vẫn được giữ vững, chúng ta phản đối chính quyền Trung Quốc có những hành vi vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Công ước Liên hợp quốc, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhưng không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc. Xét cho cùng, doanh nhân Trung Quốc cũng như người lao động Việt Nam, có quyền làm ăn, sinh sống, lao động một cách chân chính. Đó là sự công bằng và rạch ròi.

Mặt khác, việc đập phá các công ty sẽ dẫn đến các hệ lụy, như: nhà máy hư hao tài sản, ngừng sản xuất, dẫn đến nguy cơ phá vỡ hợp đồng phải bồi thường, kinh tế bị đình đốn. Trong trường hợp đó, chính công nhân, người lao động là đối tượng gánh hậu quả trước tiên: mất việc làm, không có thu nhập, đời sống sẽ gặp khó khăn. Sâu xa hơn, các hành vi này sẽ làm xấu môi trường đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đắn đo, ngần ngại khi đầu tư vào Việt Nam, nền kinh tế vừa gượng dậy sau khủng hoảng lại đối mặt nguy cơ “tuột dốc”. Một số công nhân, với những hành vi thiếu kiềm chế đã tự đập vỡ bát cơm của mình. Ấy là chưa kể, họ đã vô tình tiếp tay cho kẻ xấu đội lốt công nhân trà trộn, lợi dụng việc đập phá để “hôi của”, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Thể hiện lòng yêu nước là quyền của tất cả công dân Việt Nam, nhưng cần có sự tỉnh táo, không cực đoan, quá khích, và quan trọng nhất là phải tuân thủ pháp luật. Lòng yêu nước thiêng liêng càng không thể để bị lợi dụng để làm điều xấu, tạo cớ gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, quan hệ hữu nghị với bạn bè các nước.

Thể hiện lòng yêu nước, trong hiểm nguy, các nghiệp đoàn đánh cá vẫn giương buồm ra khơi. Hơn bao giờ hết, trong lúc này công nhân càng nên tập trung hăng say lao động, sản xuất nhiều của cải hơn nữa để góp phần cho đất nước càng giàu mạnh, đủ sức đương đầu với kẻ thù. Đó mới là lòng yêu nước chân chính.

THANH THÚY

 

Tin xem nhiều