Báo Đồng Nai điện tử
En

Lối nào thoát lỗ?

11:05, 12/05/2014

Trò chuyện với Báo Đồng Nai, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam lo ngại, nếu không có động thái can thiệp nào kịp thời, có khả năng chỉ trong vòng 1 năm tới, các trang trại nuôi gà đẻ trứng có khả năng sẽ bị xóa sổ do không trụ nổi.

Trò chuyện với Báo Đồng Nai, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam lo ngại, nếu không có động thái can thiệp nào kịp thời, có khả năng chỉ trong vòng 1 năm tới, các trang trại nuôi gà đẻ trứng có khả năng sẽ bị xóa sổ do không trụ nổi.

Thực tế, giá trứng đang “neo” dưới giá thành từ 300-600 đồng/trứng, nếu tính bình quân lỗ 500 đồng/trứng, thì một trang trại với quy mô vài chục ngàn con gà đẻ sẽ lỗ 10 triệu đồng/ngày.

Đó là một con số quá lớn so với thu nhập của người chăn nuôi. Nhiều trang trại đã lỗ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng sau gần nửa năm cố gắng neo lại chờ giá tăng. Thế nhưng, điều nghịch lý là giá trứng bán lẻ trên thị trường gần như không giảm. Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg đề xuất, Nhà nước nên can thiệp vào khâu trung gian, hoặc áp giá sàn thu mua cho trứng để người chăn nuôi bớt khó. Với nhiều khó khăn hiện tại, có thể đề xuất của ông Sooksunt chưa thể thực hiện được, giống như câu chuyện áp giá sàn mua lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo nông dân có lãi cũng gặp rất nhiều trắc trở khi thực hiện.

Nhìn rộng ra, có rất nhiều mặt hàng nông sản bấp bênh về giá mà chưa có biện pháp nào khả dĩ để giải quyết. Trong khi đó, giá bán đến tay người tiêu dùng hầu như khá “ổn định” - trừ những khi cao điểm dịch bệnh - không giảm sút nhiều, dù có khi những mặt hàng, như: gà, heo, trứng “rơi” thẳng đứng, nông dân phải treo chuồng. Ai cũng nhìn ra, rõ ràng khâu trung gian đang “có vấn đề”. Nhưng “vấn đề” cụ thể nằm chỗ nào, phải giải quyết ra sao thì vẫn chưa có lời giải. Nông dân vẫn đang tự loay hoay với những giải pháp trước mắt: giảm đàn, tự trộn thức ăn, tiết kiệm chi phí để giảm giá thành…

Nhiều doanh nghiệp đề xuất, các trang trại nên liên kết lại với nhau, tạo ra chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Ở các nước khác, sản phẩm chăn nuôi ít rơi vào tình trạng bấp bênh là do các trang trại liên kết thống nhất giá bán và có cân đối, không để xảy ra cảnh lúc quá thừa, lúc quá thiếu nên không bị khâu trung gian ép giá, làm giá. Và nếu gặp khó khăn trong một khâu của chuỗi khép kín, sự khó khăn đó sẽ được dàn đều từ người sản xuất thức ăn đến người chăn nuôi, từ khâu giết mổ đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường, chứ không đổ dồn vào một khâu cụ thể.

Hiện tại, tất cả chỉ mới dừng lại ở những nỗ lực cắt lỗ riêng lẻ của từng trang trại hoặc một vài doanh nghiệp cụ thể. Sự liên kết ở tầm rộng hơn, cao hơn dường như vẫn thiếu một nhạc trưởng có khả năng kết nối các yếu tố thành chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn”, đồng thời thiếu luôn các công cụ chính sách hiệu quả để can thiệp vào khâu trung gian khi cần thiết. Và do đó, lối thoát cho những trang trại gà đẻ trứng - một trong những niềm tự hào của ngành chăn nuôi Đồng Nai - vẫn đang bỏ ngỏ.   

KIM NGÂN

 

Tin xem nhiều