Báo Đồng Nai điện tử
En

Không vì những con số đẹp

11:05, 11/05/2014

Những năm gần đây, có người nói: Kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ cần công bố thí sinh rớt cho tiện và đỡ tốn kém. Câu đùa này xuất phát từ một thực tế, kỳ thi năm nào tỷ lệ đỗ cũng 99%, 100%!

Những năm gần đây, có người nói: Kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ cần công bố thí sinh rớt cho tiện và đỡ tốn kém. Câu đùa này xuất phát từ một thực tế, kỳ thi năm nào tỷ lệ đỗ cũng 99%, 100%!

Năm 2007, khi siết lại công tác thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ đỗ trong cả nước là 66%, nhưng sau đó, khi có những chủ trương nới lỏng việc giám sát, tổ chức kỳ thi, tỷ lệ tốt nghiệp đã tăng đều hàng năm, với mức độ tăng khá cao. Năm 2011, con số này lên đến 95,72%. Nhiều địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn lại có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn các thành phố lớn. Tỉnh nào cũng đạt trên 90%, có tỉnh trên 98%!

Những “con số đẹp” như thế đã được nói đến khá nhiều trên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, bởi đó là những con số chứa nhiều nghịch lý. Nghịch lý của chất lượng sau 12 năm học tập, nhưng kết quả thi tốt nghiệp cứ “như mơ”. Nghịch lý giữa quyết tâm “trung thực” với căn bệnh “thành tích”.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 sắp đến. Hiện nay, ngành giáo dục Đồng Nai đang tập trung vào các công tác chuyên môn và hậu cần để đảm bảo tổ chức kỳ thi “an toàn, nghiêm túc, công bằng, đảm bảo kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học”. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo ngành giáo dục “thực hiện tốt các khâu sao in, bảo quản, giao nhận đề thi, chấm thi và công bố kết quả chấm thi. Phải chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra tại chỗ và lưu động đối với công tác coi thi, chấm thi, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo về thi. Đặc biệt quan tâm tới chất lượng, đạo đức của đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi, chấm thi”.

Từ góc độ phụ huynh, chúng ta mong muốn từng học sinh lớp 12 ở Đồng Nai sẽ có kết quả tốt trong kỳ thi quan trọng này. Từ góc độ của những người làm công tác quản lý, chúng ta mong muốn tỷ lệ tốt nghiệp của toàn tỉnh sẽ là một con số đẹp. Tuy nhiên, chúng ta kiên quyết không vì những con số đẹp mà để xảy ra những hiện tượng tiêu cực.

Chất lượng kỳ thi THPT phụ thuộc chủ yếu vào kỷ luật phòng thi, cách tổ chức coi thi, giám sát, thanh tra thi và công tác chấm thi. Chất lượng kỳ thi THPT không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan (công an, giao thông, y tế, bưu điện, điện lực) và cả các bậc cha mẹ học sinh. Tất cả phải cùng chung sức để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi, đảm bảo chất lượng kỳ thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là kỳ thi đầu tiên ngành giáo dục triển khai Nghị quyết Trung ương 8 về “Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT”. Tinh thần của nghị quyết nêu rõ, mục tiêu giáo dục nhắm đến vừa đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vừa đảm bảo phát huy tốt nhất tiềm năng riêng của mỗi cá nhân. Nghị quyết cũng nhấn mạnh yêu cầu “tạo chuyển biến căn bản mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”. Trên tinh thần ấy, việc tổ chức một kỳ thi nghiêm túc là hệ quả tất yếu của quá trình đào tạo nghiêm túc phải được chú trọng. Xin đừng vì những con số đẹp!

Phú Trang

 

 

Tin xem nhiều