Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện nông sản và thương lái

12:05, 20/05/2014

Nông dân Đồng Nai đang trải qua một mùa trái cây buồn. Xoài, thanh long giảm giá mạnh, thậm chí nông dân để xoài rụng đầy vườn vì không bõ công hái, bán.

Nông dân Đồng Nai đang trải qua một mùa trái cây buồn. Xoài, thanh long giảm giá mạnh, thậm chí nông dân để xoài rụng đầy vườn vì không bõ công hái, bán. Chôm chôm, sầu riêng đầu mùa cũng đang phập phồng, bởi nhiều thương lái đang mua với giá thấp hơn mọi năm, viện cớ cước vận tải tăng mạnh nên giá thu mua phải thấp. Cùng một loại trái cây, vườn “mặt tiền” bán giá cao, vườn “trong hẻm” bán giá khác, thấp hơn đến 20-30% dù chẳng cách bao xa. Sầu riêng mua tại Long Khánh có thể đắt hơn sầu riêng Cẩm Mỹ đến 10 ngàn đồng/kg.

Cước vận tải hàng hóa được ghi nhận là đã tăng gần một tháng nay, cùng với việc ngành giao thông - vận tải siết chặt quy định cấm xe quá tải. Ở nhiều địa phương, giá cước tăng đến 60-70% so với trước. Vận chuyển nông sản cũng theo đó tăng cước, và mức tăng này nông dân gánh chịu. Câu chuyện cước tăng, giá mua nông sản thấp xuống không chỉ phổ biến ở Đồng Nai, mà diễn ra khắp cả nước, từ Tiền Giang, Long An, Bến Tre... đến Lào Cai, Lạng Sơn. Cộng với tình trạng nông sản tiêu thụ kém, nông dân lại thêm một nỗi lo.

Điều đáng nói là dù giá mua nông sản tại vườn giảm mạnh, nhưng giá bán lẻ trên thị trường không giảm, thậm chí tăng vài phần. “Đường đi” của nông sản tuy không bí mật gì, nhưng cũng chưa ai bóc tách kỹ càng để biết giá mua tại vườn chênh lệch với giá bán trên thị trường bao nhiêu là đủ, để nông dân có lãi mà thương lái vẫn có lời. Hiện tại, các khâu trung gian mới là những người có thực quyền trong việc định giá nông sản, họ mua cao hay mua thấp, nông dân cũng không có quyền phản ứng, nếu phản ứng chỉ có cách... tự mang đi bán.

Không thể và cũng không nên xóa bỏ vai trò những thương lái trong chuỗi tiêu thụ nông sản, ít nhất là ở thời điểm hiện nay khi chưa có tổ chức, đơn vị nào đứng ra thu mua nông sản cho nông dân hiệu quả hơn họ. Thương lái chính là những người chịu khó đi vào tận vườn, tận rẫy để mua lại những trái bắp, củ khoai mì, trái sầu riêng... trong khi không doanh nghiệp nào chịu vào vườn mua với quy mô nhỏ, lẻ. Từ điều này, có thể đặt ra 2 vấn đề: một là, cần phân tích được giá mua nông sản của nông dân bao nhiêu là hợp lý so với giá thị trường mỗi khi giá mua nông sản tại vườn bị giảm đột ngột, và hai là về lâu dài, cần có một hiệp hội hoặc một tổ chức nào đó với sự tham gia tự nguyện của thương lái theo từng vùng, để nhà nước có thể gửi đến họ những thông điệp khi cần và ngược lại, lắng nghe từ họ. Điều này không phải bất khả thi, bởi 45 thương lái mua heo tại Đồng Nai đã từng tập hợp lại và phản ứng lên Hiệp hội chăn nuôi vào đầu năm 2013 khi họ bị chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) ép giá thuê sạp. Thực tế mỗi vùng, mỗi xã chỉ có một số thương lái nhất định lâu năm tổ chức mạng lưới thu mua nông sản, bởi không phải ai cũng có thể trở thành “thương lái”, do một số đòi hỏi về vốn liếng, phương tiện vận chuyển, mối lái, nơi tiêu thụ… Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc nắm thông tin về họ không quá khó.

Trong khi chưa có một chuỗi thu mua nông sản khép kín, đảm bảo lợi ích cho người nông dân (và cả người tiêu dùng), thiết nghĩ nên bắt đầu bằng việc chia sẻ thông tin, tập hợp, lắng nghe, truyền thông điệp ngay từ những thương lái - những người nhiều lần được cho là "ép giá nông dân”.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều