Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn nông sản bán rong

10:04, 23/04/2014

Xoài rụng đầy vườn khó tìm được người mua, xót của, gia đình ông Phùng Văn Truyền, ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán bèn thuê xe chở xoài lên gần các khu công nghiệp (TP. Biên Hòa) để bán, mong gỡ lại chút vốn đầu tư.

Xoài rụng đầy vườn khó tìm được người mua, xót của, gia đình ông Phùng Văn Truyền, ấp Mít Nài, xã La Ngà, huyện Định Quán bèn thuê xe chở xoài lên gần các khu công nghiệp (TP. Biên Hòa) để bán, mong gỡ lại chút vốn đầu tư. Cách làm có vẻ “đột phá” này thực ra không xa lạ, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nhưng “ông Truyền” nói trên bên đống bắp cải, cà chua, bí, bầu, thanh long, dưa hấu… đổ vội vàng bên lề những con đường phố đông đúc.

Không ai muốn làm kẻ bán hàng rong bất đắc dĩ. Thêm nữa, họ bán bao nhiêu cho đủ hàng chục, hàng trăm triệu đồng đã đổ vào đầu tư cho rẫy xoài, rẫy bí?

Nhiều người cho rằng, nông nghiệp rồi cũng phải theo quy luật cung - cầu, do đó chuyện được mùa, rớt giá là chuyện bình thường, phải chịu. Thêm vào đó, nông dân cũng phải học cách xem mình là một trong những “người làm ăn” như bao đối tượng khác (doanh nghiệp tư nhân, công ty) để chấp nhận những quy luật khắc nghiệt của thị trường, và không xem mình là những người cần “cứu rỗi” bằng chính sách, bằng trợ cấp hay các hình thức khác.

Nhưng thực tế, hầu như chưa có lần nào họ được “cứu” một cách kịp thời, dù nhiều chính sách vẫn kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn với mục đích nâng cao đời sống nông dân.

Bởi, ngay cả những người hoạch định chính sách có vẻ cũng đang bối rối. điển hình là có quá nhiều khuyến cáo đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý… nhưng đa số nông dân vẫn loay hoay đổi qua, chuyển lại, không biết trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Đơn cử, mấy năm nay diện tích vườn xoài tăng lên vùn vụt ở Đồng Nai, và nông dân với điều kiện bó hẹp cứ xoay xở từ xoài ba mùa mưa sang xoài giống Thái Lan, Đài Loan, cát Chu, cát Hòa Lộc… trong sự phập phồng lo lắng. Đến hiện tại, ai trồng xoài cát Hòa Lộc, cát Chu tạm thời thắng thế, xoài ba mùa mưa (chiếm diện tích lớn nhất) giá rẻ hơn rau. Ngoài xoài, thời điểm này nhiều hộ dân trồng “vàng trắng” cao su cũng đang dở khóc dở cười khi giá cao su liên tục giảm, dù có thời cao su được coi là “tấm vé số độc đắc” cho những nông dân có điều kiện đầu tư. Chỉ sau mấy năm, do giá giảm nhiều vườn cao su tiểu điền mệt mỏi vì phải tính toán sao cho huề vốn giữa lúc công cạo mủ, vận chuyển còn cao tiền hơn giá mủ cao su.

Có lẽ, đã đến lúc những khuyến cáo nông nghiệp cần có cơ sở vững vàng hơn, thông qua các nghiên cứu nhu cầu thị trường trong và ngoài nước một cách thống nhất, khoa học, không nên đưa ra một cách chủ quan. Thêm vào đó, với những vùng mà nông dân trồng tự phát, cũng cần những khuyến cáo có cơ sở để họ tự biết mình nên dừng lại, hay tiếp tục trồng trọt theo phong trào. Cho đến giờ này, mỗi địa phương quy hoạch, khuyến cáo theo một kiểu riêng, chưa có sự liên kết để đánh giá lại nhu cầu thị trường, thổ nhưỡng, thời điểm chính vụ… để nông sản có đầu ra. Chưa kể, những thông tin chính thống về thị trường xuất khẩu hiện cũng chỉ đến với nông dân theo kiểu “nhỏ giọt”, họ càng bối rối trong việc chọn loại nào để hàng ra không ế.

Trước khi trở thành những “người làm ăn” có sức chơi, có sức chịu  như các doanh nghiệp, nông dân vẫn là đối tượng cần được hỗ trợ từ phía chính sách để những xe nông sản bán rong bớt xuôi ngược khắp phố phường mỗi khi được mùa, rớt giá.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều