Một nhà sử học người Ba Lan đã viết vào sổ lưu niệm tại Đền thờ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) rằng dân tộc Việt Nam rất "giàu có" khi có chung một tổ tiên để hướng về, và đó là "phúc" của dân tộc.
Một nhà sử học người Ba Lan đã viết vào sổ lưu niệm tại Đền thờ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) rằng dân tộc Việt Nam rất “giàu có” khi có chung một tổ tiên để hướng về, và đó là “phúc” của dân tộc.
Các dân tộc phương Đông có tập quán thờ cúng tổ tiên, trong gia đình thờ cúng ông bà, trong cộng đồng thờ Thần hoàng bổn cảnh. Tuy nhiên, cả dân tộc thờ chung một Quốc Tổ chỉ có ở Việt Nam, và đây là tiêu chí phân biệt giữa người Việt Nam với các dân tộc khác. Có một điểm đặc biệt, ngoài Đền thờ Hùng Vương nơi đất tổ Phú Thọ, người Việt Nam lập đền thờ Quốc Tổ ở khắp các nơi, thậm chí cả ở nước ngoài. Điều này cho thấy trái tim, tấm lòng người Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc, không phải chỉ hướng về trú sở thờ cúng.
Đền thờ Hùng Vương ở Phú Thọ không phải ai cũng có điều kiện tìm về, nên đến ngày giỗ Tổ người dân nhộn nhịp đến các đền thờ ở địa phương, tấm lòng thành kính không thua kém gì nơi đất Tổ. Điều này thể hiện tính hội tụ (tìm về trú sở thờ cúng) và lan tỏa (khắp các vùng miền đâu đâu cũng có, ngay cả ở nước ngoài) của tục thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Trải hơn 4 ngàn năm, tập quán này vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, cho thấy tục thờ Quốc Tổ đã kết nối muôn tấm lòng thành sức mạnh nội sinh rất mãnh liệt, đồng thời có sự chia sẻ văn hóa, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng.
Ở Đồng Nai, Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương được xây dựng từ rất sớm tại vùng Tam Hiệp xưa, do nhân dân địa phương chung tay đóng góp. Đặc biệt, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được người dân đưa vào thờ cúng, xem Người như Quốc Tổ thứ 19. Gần 50 năm qua, mỗi năm đến ngày giỗ Tổ, chính quyền sở tại cùng người dân không phân biệt lương, giáo đồng tề tựu về dự lễ với tấm lòng thành kính. Đây là nét đẹp thể hiện tinh thần đoàn kết, cần được vun đắp.
Năm nay, lễ giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mới nhằm xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tự hào về non sông gấm vóc mà cha ông đã dày công vun đắp, bảo vệ, mỗi người dân càng thấy rõ trách nhiệm giữ gìn và phát triển đất nước giàu mạnh, như lời Bác Hồ đã dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
HUỲNH VĂN TỚI