Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể lãng quên

11:04, 28/04/2014

Cách đây 39 năm, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ Tây Nguyên đã đưa bước chân thần tốc của các chiến sĩ giải phóng quân tiến thẳng về Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Cách đây 39 năm, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ Tây Nguyên đã đưa bước chân thần tốc của các chiến sĩ giải phóng quân tiến thẳng về Sài Gòn, thống nhất đất nước. Với vị trí là cửa ngõ của Sài Gòn, Đồng Nai trở thành mục tiêu quan trọng, địch tập trung toàn bộ hoả lực "tử thủ", còn ta cũng cương quyết chọc thủng cho được "cánh cửa thép" để tiến công vào cơ sở đầu não địch. Sau 12 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quyết liệt, quân dân ta đã phá tan cánh cửa thép, thẳng tiến vào Sài Gòn.

Có thể nói, trận chiến trên địa bàn Đồng Nai mang tính then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau trận thua này, địch hoàn toàn sụp đổ về tư tưởng, hàng ngũ nhanh chóng tan rã từ quan đến lính, tạo điều kiện thuận lợi cho quân giải phóng tiến về Sài Gòn, thống nhất đất nước. Trận đánh Xuân Lộc còn là điển hình về chiến lược chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa chính trị và quân sự. Nhân dân Đồng Nai đã chủ động phá các đồn bót trên địa bàn, nổi dậy giành chính quyền ở nhiều địa phương, phối hợp với lực lượng quân sự chính quy góp phần làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975.

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, đặc biệt là trong trận chiến 12 ngày đêm (từ 9-4 đến 21-4) phá tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, sự hy sinh, mất mát của quân và dân Đồng Nai rất lớn. Hàng trăm ngàn tấn bom, chất độc hóa học đã trút xuống địa bàn Đồng Nai, trong đó có cả bom CPU, loại bom có sức hủy diệt rất khủng khiếp. Sau ngày hòa bình, việc khôi phục sản xuất, sinh hoạt, ổn định đời sống nhân dân cũng rất khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã tiếp tục phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, đoàn kết vượt qua khó khăn, nỗ lực đưa địa phương phát triển kinh tế - xã hội một cách mạnh mẽ, tiến đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tập trung phát triển kinh tế, nhưng Đồng Nai luôn quan tâm đến các chính sách đền ơn đáp nghĩa, không chỉ các đối tượng chính sách của địa phương mà cả các đối tượng từ các tỉnh, thành trong cả nước chuyển đến sinh sống.

Theo thời gian, lớp người tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ ngày càng cao tuổi, một số đã ra đi. Thế hệ thành đạt, giữ các trọng trách trong xây dựng đất nước hôm nay phần lớn trưởng thành sau năm 1975, chỉ hình dung chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh qua các tài liệu, sách báo, phim ảnh. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang nhằm vào thế hệ này để tung ra các luận điệu xuyên tạc, sai trái, hướng giới trẻ  đến những giá trị khác biệt với truyền thống, đạo lý dân tộc. Vì vậy, công tác tuyên truyền trong giới trẻ về giá trị, ý nghĩa của chiến thắng 30-4-1975 luôn phải ngày càng chú trọng, nếu không nguy cơ chuyển hóa trong nhận thức của thanh niên là có thể xảy ra.

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có hướng dẫn, quy định về việc tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có lễ kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước 30-4. Theo đó, vào các năm lẻ sẽ không tổ chức lễ hội hoặc các hoạt động lớn nhằm mục đích tiết kiệm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta lơ là trong việc tuyên truyền, nếu không có thể dẫn đến việc phai nhạt các giá trị, ý nghĩa của sự kiện lịch sử, nhất là đối với thanh niên. Điều quan trọng là các đoàn thể, nhà trường cần chú trọng thay đổi phương pháp tuyên truyền cho đa dạng, sinh động, hấp dẫn, tránh đơn điệu, hình thức. “Các giá trị nếu không được gieo cấy trong thanh niên, ắt sẽ có lúc chấm hết”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã nhấn mạnh như thế.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều