Tính ra, sau hơn 15 năm thực hiện, dự án nạo vét suối Săn Máu (TP. Biên Hòa) mỗi năm chỉ làm được 100m, vì hiện tại dự án mới chỉ thực hiện được 1,5km trên tổng số chiều dài hơn 6km.
Tính ra, sau hơn 15 năm thực hiện, dự án nạo vét suối Săn Máu (TP. Biên Hòa) mỗi năm chỉ làm được 100m, vì hiện tại dự án mới chỉ thực hiện được 1,5km trên tổng số chiều dài hơn 6km. Đây có lẽ là dự án có thời gian thi công xếp vào hàng kỷ lục. Trước đây, dự án vướng đền bù, giải tỏa, nhưng giờ đây khi khâu này đã thông, thì suối Săn Máu lại thiếu vốn thi công.
Không chỉ suối Săn Máu, mà hàng loạt các dự án lớn nhỏ về hạ tầng trên địa bàn tỉnh cũng đang thiếu vốn. Có quá nhiều nhu cầu về hạ tầng nảy sinh trên con đường phát triển: cầu, cống, đường, hồ chứa, hệ thống điện, nước… và công trình nào cũng cần vốn. Cùng mảng thủy lợi, 2 dự án hồ Lộc An (huyện Long Thành) và Gia Măng (huyện Xuân Lộc) cũng đang đói vốn. Chỉ riêng 3 dự án này, số tiền cần để thực hiện đã lên đến gần 1 ngàn tỷ đồng. Các dự án cần thiết khác trên địa bàn tỉnh, như: đường 25B và 25C (huyện Nhơn Trạch), 766 (huyện Xuân Lộc), đường tuyến Trảng Bom - Xuân Lộc, đường Bắc Sơn - Long Thành… cũng đang đói vốn. Chưa thống kê cụ thể, song một lãnh đạo tỉnh có lần “tính rợ” rằng Đồng Nai phải cần hàng chục ngàn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng trong vòng 5-10 năm tới. Ngoài ra, các dự án giao thông đi qua địa bàn Đồng Nai, như: cải tạo quốc lộ 20, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; cầu vượt ngã tư Tân Vạn, cầu vượt Amata… đều đang là những dự án cần vốn, thậm chí phải thi công cầm chừng vì thiếu vốn, như quốc lộ 20.
Nhìn rộng ra, Đồng Nai không phải là địa phương duy nhất loay hoay giữa vòng vây vốn liếng. Thời báo Kinh tế Sài Gòn thông tin, báo cáo mang tên “Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Úc công bố ngày 11-3 cho biết, nhu cầu đầu tư hạ tầng hàng năm của Việt Nam là 25 tỷ USD, trong khi lượng vốn có sẵn từ khu vực nhà nước và tư nhân khoảng 16 tỷ USD, thiếu hụt khoảng 9 tỷ USD. Ở TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu đầu tư hạ tầng giai đoạn 2011-2015 dự kiến gần 315 ngàn tỷ đồng, với thiếu hụt khoảng gần 185 ngàn tỷ đồng (59%); nhu cầu thực cho đầu tư hạ tầng ở Quảng Ninh là hơn 49 ngàn tỷ đồng và 842 triệu USD, với mức thiếu hụt khoảng 88% cho phần nhu cầu bằng tiền đồng, và 100% cho phần nhu cầu bằng USD…
Không còn cách nào khả dĩ hơn ngoài việc “liệu cơm gắp mắm” và huy động tối đa các nguồn lực: vốn ODA, vay nước ngoài, huy động khu vực tư nhân, phát hành trái phiếu… để giải quyết bài toán vốn cho phát triển hạ tầng ngày một nóng bỏng hơn. Và chính vì vậy, từng đồng vốn sẽ cần được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả nhất, tránh tình trạng thi công ì ạch, chậm tiến độ làm vốn liếng các công trình đội lên, thêm gánh nặng - như đã xảy ra với dự án suối Săn Máu, từ dự kiến chỉ hết 60 tỷ đồng vào năm 1998, lên đến trên 400 tỷ đồng ở hiện tại do trượt giá.
Kim Ngân