Cùng với ăn, mặc, ở, đi lại, đọc sách cũng một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Con người nếu lãng quên điều này, tiến trình phát triển chắc chắn sẽ bị đứt gãy.
Cùng với ăn, mặc, ở, đi lại, đọc sách cũng một trong những nhu cầu cơ bản của con người. Con người nếu lãng quên điều này, tiến trình phát triển chắc chắn sẽ bị đứt gãy.
Trong chặng đường tiến hóa của loài người, có thể nói cùng với việc phát hiện ra lửa, thì việc phát minh ra chữ viết là chặng quan trọng nhất. Từ ý tưởng biến thành chữ viết, đánh dấu cột mốc về sự trao truyền về trí tuệ từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường của sách vở. Lịch sử đã chứng minh rằng, dân tộc nào tận dụng, phát huy được hoạt động đọc sách sẽ nâng cao trí tuệ và phát triển. Thế giới hiện nay đã phát minh nhiều loại hình, phương tiện nghe nhìn, nhưng bản chất của việc đọc sách thì chưa gì có thể thay thế.
Ông bà xưa có tiêu chí “Trong bụng không có 3 vạn quyển sách thì không được”. Lê Quý Đôn cũng dạy: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”, cho thấy ngày xưa đọc sách là một trong những mục tiêu quan trọng, xã hội trước đây lấy sự đọc sách làm thước đo giá trị con người. Nhưng trong đời sống hiện nay, chủ nghĩa thực dụng lấn át, người ta quan tâm đến lối sống hưởng thụ, đến nhà sang, xe xịn, sưu tập hàng hiệu. Thói quen đọc sách đang ngày càng bị quên lãng. Ngay cả trong các nghị quyết của Đảng trước đây cũng thường đặt ra các chỉ tiêu về đọc sách (2,5 bản sách/đầu người/năm), nhưng gần đây mục tiêu này cũng không còn thấy xuất hiện trong các văn bản.
Sách giáo dục, nâng cao tính thẩm mỹ của con người, đồng thời có cả tính giải trí. Trên thị trường gần đây, nhiều đầu sách được chăm chút, thu hút thị giác công chúng, nhưng phần lớn là sách giải trí. Trẻ em ngày nay chỉ thích đọc truyện tranh, như: Doremon, Thám tử Conan để thỏa mãn, người lớn thì không thích đọc sách chính văn, như: Gia Định Thành thông chí, Tam Quốc chí, Thủy hử, Chiến tranh và hòa bình, Con đường đau khổ... Sách giải trí bước đầu đã có chỗ đứng, còn thể loại sách học thuật, giáo dục thẩm mỹ khó thu hút bạn đọc, cần có sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước.
Để sách đến được với công chúng, cần rất nhiều khâu. Người viết sách lao tâm khổ tứ, vắt chất xám viết ra con chữ nhưng nhuận bút thì èo uột, chưa đủ bù đắp lao động trí tuệ. Trước đây, xuất bản, in ấn, phát hành là một khối, nằm chung một hệ thống, nhưng hiện nay lại chia ra theo cơ chế thị trường, vì thế xảy ra tình trạng “anh đường anh, em đường em”, có những đầu sách cần nhưng không xuất bản được, và ngược lại. Bên cạnh đó, sách xuất bản rồi nhưng thiếu cơ chế để sách hay đến tay bạn đọc, nhất là vùng sâu, vùng xa. Hệ thống thư viện công hiện nay phục vụ không hết nhu cầu của công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu. Có những quyển sách quý chỉ nằm trong tủ sách gia đình chứ không có ở thư viện, nhưng để xây dựng hệ thống thư viện tư thì chưa có cơ chế.
Như vậy, để có một cuốn sách đến với người đọc, các khâu: tác giả biên soạn, xuất bản, in ấn, phát hành, thư viện, khâu nào cũng còn nhiều trắc trở. Nên văn hóa đọc dù đã có đủ luật rồi, nhưng vẫn cần có cơ chế đồng bộ để sách thật sự đến tay người đọc. Do đó, để duy trì một nền văn hóa đọc, vẫn cần xây dựng một thiết chế văn hóa xã hội từ cộng đồng, gia đình đến cá nhân, lấy văn hóa đọc làm một trong những thước đo giá trị con người.
THANH THÚY