Để may một chiếc áo sơmi, công nhân Việt Nam cần thao tác đến vài chục công đoạn, trong khi các nước nghèo hơn như Nepal, Bangladesh, quy trình này đã được rút ngắn xuống trên dưới 10 công đoạn - một chuyên gia công nghiệp cho biết.
Để may một chiếc áo sơmi, công nhân Việt Nam cần thao tác đến vài chục công đoạn, trong khi các nước nghèo hơn như Nepal, Bangladesh, quy trình này đã được rút ngắn xuống trên dưới 10 công đoạn - một chuyên gia công nghiệp cho biết.
Mới đây, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng Tổng cục Thống kê công bố con số: Trong quý IV-2013, cả nước có 900 ngàn người thất nghiệp, trong đó có tới 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ.
Câu chuyện may áo sơmi ở một đất nước vốn tự hào có lợi thế nguồn nhân công dồi dào trong tổng dân số 90 triệu và câu chuyện 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cho thấy một sự thật: chúng ta chưa đầu tư hợp lý cho công tác đào tạo nghề, chưa thoát ra tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.
Tâm lý coi trọng bằng cấp, đỗ đạt, tâm lý muốn vào đại học bằng mọi giá… ở nước ta lại được sự hỗ trợ của việc cánh cửa vào đại học, cao đẳng ngày càng nới lỏng. Trong khi đó, các trường trung cấp, dạy nghề mỗi năm lại hụt thêm chỉ tiêu đầu vào. Thừa thầy, thiếu thợ không phải đến bây giờ mới được nói tới. Và dường như, bất chấp nhiều nỗ lực của xã hội, thực trạng này ngày càng nặng nề hơn, thậm chí nó còn dẫn đến hệ lụy khác: thầy không ra thầy, mà thợ cũng không ra thợ.
Đã có nhiều người chỉ ra nguyên nhân của thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Đã có nhiều giải pháp lý thuyết cho vấn đề này. Thế nhưng mọi giải pháp đều không giải quyết triệt để một thực trạng khi cả trong chính sách và tâm lý xã hội chưa thực sự thể hiện được sự tôn trọng người làm thợ, khi thu nhập của người công nhân kỹ thuật hiện nay đây đó vẫn còn bấp bênh.
Mục tiêu đến năm 2020 trở thành đất nước công nghiệp hóa đang đặt ra nhu cầu đẩy mạnh việc đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực “thợ” đông đảo và chất lượng. Nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, đặc biệt giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề phải trở thành chiến lược xương sống cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong giai đoạn “dân số vàng” hiện nay.
Giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề phải thực sự trao cho thanh niên sự thuần thục nghề nghiệp khi vào đời sau đào tạo, nhưng để giúp họ có đồng lương xứng đáng với thể chất và sự tận tâm với công việc mà họ đã bỏ ra sau khi ra trường, còn là bài toán lớn ngoài sức giải quyết của ngành giáo dục.
Khi các trường trung cấp chuyên nghiệp còn phải loay hoay với tuyển sinh, dù đã nâng cao chất lượng, nếu không có sự hỗ trợ từ xã hội, câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn sẽ chưa có lối ra.
Sao Khuê