Hàng loạt những cái chết thương tâm mà nạn nhân là trẻ em xảy ra gần đây trên cả nước khiến dư luận không khỏi xót xa, đau đớn.
Hàng loạt những cái chết thương tâm mà nạn nhân là trẻ em xảy ra gần đây trên cả nước khiến dư luận không khỏi xót xa, đau đớn. Trong số những cái chết ấy, có một phần lỗi không nhỏ từ sự tắc trách của người lớn khi thiếu kiểm tra, giám sát con trẻ, dẫn đến những tai nạn không đáng có. Câu hỏi đặt ra là, ai sẽ bảo vệ trẻ em và môi trường sống an toàn cho trẻ ở đâu?
Mới đây, em Nguyễn Đức Bảo Trác, học sinh lớp 6/2 Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đã chết thảm dưới bánh xe buýt; em Chung Thị Kim Vân, 13 tuổi, lớp 6A Trường THCS Lương Sơn (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), khi cứu một em nhỏ bị rơi xuống hố nước của một công trình thi công hệ thống nước tưới tiêu đã ra đi vĩnh viễn... Tại Đồng Nai, em N.T. (13 tuổi, huyện Tân Phú) bị xe bồn cán ngang qua vùng bụng cách đây nửa tháng khi em đang trên đường đi học về; em Đ.H. (6 tuổi, huyện Nhơn Trạch) tử vong do tai nạn giao thông khi được người nhà chở bằng xe gắn máy…
Khoa ngoại chấn thương chỉnh hình - bỏng của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai hàng ngày tiếp nhận hàng chục bệnh nhi nhập viện do tai nạn thương tích. Trong số đó có rất nhiều tai nạn đến từ sự bất cẩn của người lớn, như: bỏng nước sôi, té ngã do đu võng, đùa giỡn, đuối nước… Các bác sĩ ở đây cho biết, có nhiều tai nạn người lớn hoàn toàn có thể phòng tránh được cho trẻ khi biết sắp xếp đồ vật trong gia đình một cách hợp lý, tránh để những vật dễ vỡ, sắc nhọn, nước nóng… trong tầm với của trẻ. Phụ huynh cũng chưa quan tâm nhiều đến việc trang bị cho trẻ kỹ năng ứng phó với nguy hiểm khiến trẻ lúng túng khi gặp nạn và không biết cách bảo vệ mình khi bị xâm hại. Rất nhiều em sau tai nạn đã trở nên tàn phế, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai.
Mục tiêu tổng quát của chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015 là tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Thế nhưng, trẻ em vẫn đã và đang là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi khi hàng ngày phải đối mặt với những cái bẫy từ nhà ra phố. Làm gì để trẻ được an toàn vẫn là bài toán khó và cần lời giải từ sự chung tay của cả cộng đồng.
Một mùa hè nữa đang đến rất gần và đây cũng là khoảng thời gian trẻ dễ bị tai nạn thương tích nhất. Để mọi trẻ em đều có một mùa hè an toàn, rất cần những hoạt động thiết thực chăm lo cho các em được tổ chức để hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn đau lòng xảy ra.
Minh Ngọc