Với những rủi ro lớn về dịch bệnh và giá cả, nhiều người chăn nuôi của Đồng Nai và nhiều địa phương khác đã và đang treo chuồng, chuyển sang xây trang trại cho thuê hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI lớn.
Với những rủi ro lớn về dịch bệnh và giá cả, nhiều người chăn nuôi của Đồng Nai và nhiều địa phương khác đã và đang treo chuồng, chuyển sang xây trang trại cho thuê hoặc nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI lớn. Câu chuyện này không mới, chỉ là ngày càng rõ nét hơn. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, khoảng đầu năm 2012 toàn tỉnh mới có 159 trang trại gia công cho các công ty nước ngoài, nhưng chỉ sau hơn 1 năm, số trang trại gia công cho công ty nước ngoài đã tăng lên 270 trang trại.
Trong khi các nhà làm chính sách, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam loay hoay với những câu hỏi làm sao để thu nhập nông dân khá hơn, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam chịu đầu tư vào nông nghiệp nhiều hơn, làm sao để sản phẩm nông nghiệp không chịu quá nhiều tác động từ thiên tai, dịch bệnh và nhất là phát triển một cách bền vững trên thị trường, thì những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đạt được những thành quả đầu tư ấn tượng.
Trường hợp của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam là một ví dụ.
Có mặt tại Việt Nam chính thức từ năm 1992, sau hơn 20 năm kiên trì với chiến lược 3F: Feed (thức ăn chăn nuôi) - Farm (chăn nuôi) - Food (thực phẩm), công ty này hiện đã có mức doanh thu tính riêng từ 2 mảng Feed và Farm gấp gần 20 lần vốn điều lệ, và từ cách đây 3 năm, doanh thu của công ty đã vượt mức 1 tỷ USD, nằm trong danh sách dẫn đầu của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, chỉ đứng sau một số tập đoàn nhà nước lớn về tài chính, xăng dầu, viễn thông, bảo hiểm… Doanh nghiệp này hiện chiếm thị phần lớn trong ngành chăn nuôi gà, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thịt gà, trứng, thịt heo… và vẫn không ngừng mở rộng. Đặc biệt, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam khẳng định sẽ nhanh chóng đầu tư vào Food còn lại trong chuỗi 3F với những bước đi nhanh và bài bản.
Một số doanh nghiệp có vốn FDI, như: Japfa, Emivest… hiện đang nắm giữ phần lớn thị phần gà giống, trứng, gà thịt và một phần thị trường heo giống, heo thịt. Không hề che giấu tham vọng, họ khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng ảnh hưởng của mình trong “lãnh địa” vốn là niềm tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Bỏ qua những yếu tố khác, thì đây là một sự chuyển biến bình thường. Không thể trách nông dân khi chuyển sang nuôi gà, heo thuê cho nước ngoài ngay trên chính mảnh đất của mình, bởi trước mắt họ là những cơ hội về thu nhập. Cũng rất phiến diện nếu cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài đang thâu tóm ngành chăn nuôi, bành trướng ảnh hưởng của mình để “ép” người nông dân lâm cảnh phá sản, phải nuôi thuê. Đây hoàn toàn là một câu chuyện về lợi ích, dù muốn hay không thì một nền chăn nuôi nhỏ lẻ và bấp bênh sẽ khó lòng tồn tại trong thời điểm thị trường đòi hỏi ngày càng cao về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, trong khi giá thành phải ngày càng xuống thấp - điều mà các doanh nghiệp nước ngoài lớn với tiềm lực mạnh về tài chính, phân phối, kinh nghiệm… làm tốt hơn.
Lẽ dĩ nhiên, không có “món quà” nào từ trên trời rơi xuống. Những nguy cơ về tình trạng làm giá sản phẩm khi thị phần quá lớn, cạnh tranh không lành mạnh, chuyển giá, trốn thuế hay những o ép đối với người chăn nuôi khi họ đã trở nên quá lệ thuộc… cũng đã được đặt ra. Thế nhưng để có những thông tin chính xác, chính sách ứng xử và những giải quyết hợp lý, lại là một câu chuyện lớn khác, ngoài tầm với của người chăn nuôi.
Vi Lâm