Cuối cùng phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn đã được Bộ GD-ĐT chính thức lựa chọn sau một thời gian đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Cuối cùng phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn đã được Bộ GD-ĐT chính thức lựa chọn sau một thời gian đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Đây được xem là một bước cải tiến, đổi mới trong thi cử nhằm giảm bớt tốn kém, căng thẳng cho thí sinh, hướng đến việc bỏ thi để tiến tới một kỳ thi quốc gia.
Theo phương án thi tốt nghiệp này, thí sinh sẽ thi 4 môn, trong đó thi bắt buộc 2 môn Ngữ văn và Toán học; còn lại thì được phép tự chọn 2 môn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ và Sinh học. Một nét mới nữa là việc xét tốt nghiệp sẽ tính cả kết quả học của lớp 12, theo tỷ lệ 50 : 50 (50% là điểm thi + 50% là kết quả học). Phương án này đã nhận được sự đồng tình của phần lớn học sinh, bởi các em chỉ phải thi 4 thay vì 6 môn như năm trước, và dĩ nhiên những môn được chọn sẽ gần hơn với khối thi đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, xung quanh phương án thi vẫn còn khá nhiều điều băn khoăn đòi hỏi ngành GD-ĐT phải xem xét, cân nhắc. Trong đó, việc đưa hai môn Ngoại ngữ và Lịch sử là môn tự chọn đã và đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải chất lượng giáo dục đang thụt lùi?
Trước hết với môn Ngoại ngữ. Đành rằng vì mặt bằng chung, chúng ta để Ngoại ngữ là môn thi tự chọn nhưng với xu thế phát triển hiện nay, học sinh không thể thiếu kỹ năng về ngoại ngữ. Đây được xem là yếu tố không thể thiếu để đất nước hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, khi Ngoại ngữ là môn tự chọn, việc thực hiện các đề án về nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ xem ra không mấy khả thi.
Còn với môn Lịch sử, theo PGS. Văn Như Cương, sự đổi mới này lại làm tăng thêm số học sinh quay lưng với lịch sử. Bằng chứng là khảo sát ở Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Hà Nội) cho thấy, không một thí sinh nào chọn môn Lịch sử làm môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.
Theo lý giải của nhiều giáo viên, hiện nay, đa số học sinh chọn thi đại học khối A, D nên môn sử không phải môn trọng tâm bởi khi chọn môn thi tốt nghiệp, trước tiên học sinh sẽ chọn những môn trùng với môn thi đại học của mình để giảm bớt số lượng môn phải ôn tập. Sau đó các em sẽ tính đến lợi thế của các môn còn lại. Lịch sử là môn học được học sinh đánh giá là “khó nuốt” bởi đòi hỏi phải nhớ nhiều sự kiện, và nếu không thích rất khó để học thuộc. Bên cạnh đó, hiện nay số học sinh chọn thi đại học có các môn Văn - Sử - Địa thuộc “hàng hiếm” nên việc các em không quan tâm, không lựa chọn môn học này cũng là điều dễ hiểu.
Đổi mới thi cử nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là điều phải làm. Tuy nhiên, với phương án đổi mới thi tốt nghiệp được Bộ GD-ĐT đưa ra năm nay vẫn còn những lấn cấn, nghi ngại về những môn thi mang tên “tự chọn”.
Minh Ngọc