Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho rằng, thời mà các khu công nghiệp ngồi yên một chỗ, chờ nhà đầu tư tìm đến rồi chọn lựa, ví như "há miệng chờ sung" - đã qua từ lâu.
Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cho rằng, thời mà các khu công nghiệp ngồi yên một chỗ, chờ nhà đầu tư tìm đến rồi chọn lựa, ví như “há miệng chờ sung” - đã qua từ lâu. Ngoài chuyện chủ động tìm khách hàng thông qua các lần tiếp xúc, xúc tiến… thì ngay cả việc chuẩn bị cơ sở vật chất trong các khu công nghiệp cũng khác đi nhiều.
Gần đây nhất, để nhẹ gánh cho các đối tác tìm đến kinh doanh, họ chủ động bỏ vốn ra xây dựng sẵn nhà xưởng với nhiều diện tích khác nhau, theo đúng tiêu chuẩn xưởng sản xuất - văn phòng để cho thuê. “Một doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ đến đây đầu tư xin thuê một lúc 2 xưởng sản xuất và đang lên kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ thuê thêm 4 xưởng nữa. Có những doanh nghiệp do khó khăn phải thu hẹp sản xuất, xin chuyển thuê từ nhà xưởng lớn xuống nhà xưởng nhỏ, chúng tôi cũng cố gắng sắp xếp, ngoài việc giữ khách thì đây cũng là cách chia sẻ với nhà đầu tư” - ông Trần Kỳ, Giám đốc kinh doanh của Sonadezi Long Thành, nói. Theo kế hoạch, Sonadezi Long Thành sẽ xây dựng hơn 40 nhà xưởng nữa, nâng tổng số nhà xưởng cho thuê lên 60 (diện tích từ 2.000-2.500m2/nhà xưởng). Các khu công nghiệp khác, như: Long Đức, Giang Điền, Nhơn Trạch… cũng đang dần theo xu hướng này và coi đó là một lợi thế cạnh tranh rất rõ ràng.
Việc các doanh nghiệp là chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tìm mọi cách để thu hút nhà đầu tư vài năm nay không còn là một câu chuyện mới. Bởi, tỉnh nào cũng có khu công nghiệp, và nhìn rộng hơn, các quốc gia lân cận cũng đầy rẫy các khu công nghiệp, tất cả đều muốn cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại đổ về. Điều gì khiến một nhà đầu tư chọn đầu tư vào khu công nghiệp A mà không phải là B, ở tỉnh A mà không phải là B, thậm chí ở Việt Nam chứ không phải là một quốc gia lân cận khác? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là tính chủ động, chu đáo của chủ nhà. Ngoài đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, giá thuê đất cạnh tranh, thủ tục hành chính thông thoáng… thì những nỗ lực tưởng như bé nhỏ - như việc chủ động tìm hiểu nhu cầu nhà xưởng để nhà đầu tư dễ chọn lựa, nhanh chóng triển khai được dự án - lại đem về những thành quả tốt.
Các nhà xưởng xây dựng nên đã nhanh chóng có người thuê. Trước mắt, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có thể tốn kém thêm vốn, nhưng về lâu dài, bản thân việc cho thuê đất lẫn cho thuê nhà xưởng cũng là một kênh sinh lời tốt giữa thời của khó, người khôn. Một việc làm tương tự là năm 2013, tỉnh đã thành lập “Bàn Kansai” tại Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, để tiếp nhận và xử lý thật nhanh thông tin cho các doanh nghiệp vùng Kansai, Nhật Bản - vùng mà Đồng Nai đang có chiến lược thu hút đầu tư.
Nhìn rộng ra, đây là một trong những điều mà Đồng Nai nỗ lực để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI. Chủ động, chủ động hơn nữa là phương châm lãnh đạo tỉnh đặt ra trong những năm gần đây, bằng cách ra sức cải thiện môi trường đầu tư, tổ chức các chuyến xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông, Ấn Độ…, đồng thời, đón tiếp các nhà đầu tư thật chu đáo. “Chủ trương của tỉnh là không thu hút đầu tư bằng cách ban hành các ưu đãi riêng ngoài quy định pháp luật hiện hành, mà chủ yếu tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, tăng cường cải tiến thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, để các doanh nghiệp an tâm đầu tư phát triển. Khi đến với Đồng Nai, các nhà đầu tư sẽ không đơn độc mà luôn có sự sát cánh cùng hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền các cấp” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đã phát biểu với Báo Đầu tư trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2-2014 vừa qua, cũng với hàm ý Đồng Nai sẽ chủ động và quyết liệt nhiều hơn nữa trong thu hút FDI.
Vi Lâm