Ba năm 2011, 2012 và 2013 là những năm khó khăn bủa vây ngành gốm sứ xuất khẩu của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều tờ báo dùng những từ ngữ nặng nề, như: "thê thảm", "tuột dốc"… để mô tả hoạt động sản xuất ế ẩm của ngành này. Nhiều cơ sở nhỏ không chịu nổi áp lực đã phải tắt lò, tạm đóng cửa.
Ba năm 2011, 2012 và 2013 là những năm khó khăn bủa vây ngành gốm sứ xuất khẩu của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều tờ báo dùng những từ ngữ nặng nề, như: “thê thảm”, “tuột dốc”… để mô tả hoạt động sản xuất ế ẩm của ngành này. Nhiều cơ sở nhỏ không chịu nổi áp lực đã phải tắt lò, tạm đóng cửa.
May mắn, từ cuối năm 2013 cho đến nay, nhiều cơ sở gốm sứ trong tỉnh mừng vui khi lò gốm đã có cơ hội đỏ lửa thường xuyên hơn do các đơn hàng tới tấp bay về. Gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng, hàng sứ… được các bạn hàng từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nam Mỹ đặt hàng liên tục, có nơi đã có đơn hàng đến cuối năm.
Có nhiều nguyên nhân đằng sau sự phục hồi đáng mừng này, trong đó chủ yếu là kinh tế nhiều nước đã bắt đầu phục hồi, có nhu cầu sử dụng sản phẩm gốm sứ nhiều hơn. Lửa trong nhiều lò gốm đã reo vui, dù cũng chưa biết niềm vui này sẽ kéo dài bao lâu.
Điều “lấn cấn” đặt ra ở đây là thị trường hơn 90 triệu dân đang nằm ở đâu trong sự tính toán làm ăn của những cơ sở, doanh nghiệp ngành gốm sứ? Sự trồi sụt thất thường của ngành này lẽ nào chỉ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu?
Có một thực tế, hàng gốm sứ Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường nội địa. Từ anh hàng rong trải tấm chiếu ngồi bán chén, dĩa, ly, tách ở các chợ phường đến những cửa hàng gốm, sứ, thủy tinh sang trọng, đâu đâu cũng bán hàng Trung Quốc là chủ yếu. Giá cả là yếu tố người tiêu dùng quan tâm đầu tiên. Một chục chén sứ trắng Trung Quốc giá chỉ từ 50-100 ngàn đồng, trong khi chén Minh Long phẩm cấp bình dân bán tại Siêu thị Metro cũng đã gần 200 ngàn đồng/chục. Người bán hàng thỏa sức giới thiệu hàng gốm sứ Quảng Châu, Malaysia, Thái Lan… vì nếu giới thiệu hàng Việt, lựa chọn gần như duy nhất là Minh Long. Ai cũng hiểu gốm sứ Minh Long tốt, nhưng không phải ai cũng sẵn lòng bỏ ra số tiền gấp rưỡi, gấp đôi để mua sản phẩm.
Đồng Nai không hiếm những cơ sở gốm công nghiệp có thâm niên và chất lượng, như: Thái Dương, Việt Thành, Đồng Tâm… Xa hơn, cái tên gốm Biên Hòa là thương hiệu đã đi vào lòng người. Nhưng có vẻ họ không thể cạnh tranh trên chính sân nhà, bởi hàng hóa tốt chưa đủ, họ còn phải cân đong nhiều yếu tố khác, như: thông tin thị trường, mạng lưới bán hàng, chi phí làm thương hiệu… Trong khi đó, hàng Trung Quốc, Thái Lan cứ “rẻ, rẻ nữa, rẻ mãi”.
Có quá ít những thương hiệu uy tín và có tiềm lực, cộng thêm niềm say mê theo đuổi tạo nên những thương hiệu gốm sứ Việt Nam tiêu biểu, mà trường hợp của Minh Long là một câu chuyện hiếm hoi, khi tự mày mò sản xuất - xuất khẩu gốm sứ dưới nhãn hiệu Minh Long một cách đàng hoàng, chính danh, chứ không chỉ gia công hay làm hàng theo đơn đặt hàng của khách rồi đến tay người dùng dưới một nhãn hiệu xa lạ nào đó. Trong nước, Minh Long cũng là một niềm tự hào cho người bán lẫn người mua.
Nếu có dịp, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên và tiếc nuối khi được tham quan một số cơ sở gốm sứ Đồng Nai, Bình Dương, khi thấy mẫu mã và chất lượng quá tốt, lại chỉ để xuất khẩu đi nước ngoài, vật vã cạnh tranh tìm từng đơn hàng, trong khi tại thị trường nội địa có muốn mua cũng không tìm được.
Chuông vang, lẽ nào chỉ dùng để đánh xứ người?
VI LÂM