Báo Đồng Nai điện tử
En

"Sòng phẳng" với dịch cúm

10:02, 24/02/2014

Khó có từ nào diễn tả được tâm trạng hoang mang, lo lắng của hàng ngàn người chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai (và hàng triệu người chăn nuôi cả nước) trong những ngày dịch cúm gia cầm đang hoành hành này.

 

Khó có từ nào diễn tả được tâm trạng hoang mang, lo lắng của hàng ngàn người chăn nuôi gia cầm tại Đồng Nai (và hàng triệu người chăn nuôi cả nước) trong những ngày dịch cúm gia cầm đang hoành hành này. Nguy cơ phá sản đang treo lơ lửng trên đầu họ khi thông tin dịch cúm lan rộng, mỗi ngày đều được nhắc đi nhắc lại trên trang nhất các báo, trên các chương trình thời sự chính trong khung giờ vàng của hàng chục đài truyền hình, phát thanh.

Ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) - một doanh nghiệp có sản phẩm thịt gia cầm sạch, chuyên cung cấp cho các hệ thống siêu thị lớn, như: Metro, BigC, Co.opMart…, cho biết công ty đang chịu lỗ hàng trăm triệu đồng/ngày do sản lượng tiêu thụ giảm đến 60% từ khi có dịch cúm.

Và hiển nhiên, Bình Minh không phải là một hiện tượng cá biệt.

Còn nhớ cách đây 2 năm, thông tin chất tạo nạc sử dụng cho heo bị lạm dụng đã khiến hàng ngàn nông dân, doanh nghiệp, tiểu thương điêu đứng, người nuôi heo ở Thống Nhất, Trảng Bom… khóc ròng vì heo rớt giá, phải bán đổ bán tháo, kéo theo cơ nghiệp sụp đổ. Cuối cùng, Chính phủ phải vào cuộc và sự thật là tỷ lệ sử dụng chất này tính trên các mẫu thử nghiệm là rất ít, không đáng kể và hoàn toàn trong giới hạn cho phép. Nhưng nhiều người chăn nuôi đã trắng tay...

Cúm gia cầm không phải là một câu chuyện mới. Bên cạnh những nguy cơ, rất nhiều khuyến cáo chuyên môn khẳng định với gà, vịt, trứng… đã được tiêm phòng đầy đủ, kiểm dịch đúng quy trình, có nguồn gốc xuất xứ thì khả năng mang virus cúm hầu như bằng không. Tại Đồng Nai, với đàn gia cầm khoảng 12 triệu con thì trong đó đã có trên 90% được chăn nuôi theo hình thức trang trại khép kín với những quy trình phòng bệnh vô cùng nghiêm ngặt. Thời gian qua, chỉ có 1 - 2 điểm dịch phát sinh với quy mô rất nhỏ tại những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được dập tắt kịp thời.

Vậy, nên hay không nên đưa thông tin dịch cúm? Câu trả lời là rất nên, vì lợi ích của cộng đồng. Song, câu trả lời cũng là cần sòng phẳng với những người chăn nuôi đàng hoàng, chân chính, phòng dịch đầy đủ và cả những doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn, sạch sẽ. Chúng ta không lơ là, và vẫn nên lên án những người coi thường nguy cơ lây lan virus cúm đến cộng đồng thông qua những hành vi rất khinh suất, như: giết mổ gia cầm trái phép, không tiêm phòng dịch, giấu giếm thông tin dịch bệnh… Nhưng cũng không nên tự “hù dọa” mình để tẩy chay thịt sạch, làm khổ người chăn nuôi và xáo trộn thị trường.

Ngày 23-2, trong một hội nghị tăng cường công tác phòng dịch, bên cạnh việc yêu cầu các bộ, ngành cũng như các địa phương không được chủ quan, lơ là mà cần phải vào cuộc quyết liệt để nâng cao công tác phòng chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải lên tiếng lưu ý cần tuyên truyền về dịch bệnh cụ thể, đúng mức để người dân không hoảng sợ, không tẩy chay gia cầm sạch, để vẫn đảm bảo dịch cúm không lan rộng do chủ quan, song cũng không đẩy hàng triệu người chăn nuôi vào cảnh khốn cùng.

Kim Ngân

Tin xem nhiều