Gửi thư cho hội nghị cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội cách đây vừa tròn 59 năm (27-2-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào.
Gửi thư cho hội nghị cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội cách đây vừa tròn 59 năm (27-2-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn”.
Nghề y là một nghề rất đặc biệt và được kính trọng trong xã hội. Đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, do vậy mỗi người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về mặt chuyên môn kỹ thuật trong khâu chẩn đoán, phát hiện, xác định bệnh và điều trị chuẩn xác các loại bệnh tật mà còn phải có tâm, có đức như lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền. Vì thế, y đức phải là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị nhân văn cốt lõi của mỗi người làm công tác y tế, được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng, hết sức thương yêu, gần gũi, chăm sóc sức khỏe người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình.
Trong những năm qua, bên cạnh rất nhiều những y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở các cơ sở y tế ngày đêm tận tâm, tận lực chăm sóc sức khỏe nhân dân thì vẫn còn một số y, bác sĩ lẫn nhân viên y tế ở một số địa phương trong cả nước, như: vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội), tiêm chủng vaccine gây tử vong ở trẻ em... đang trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”, gây phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho bệnh nhân. Điều này làm ảnh hưởng niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế, thậm chí đã gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần, thể lực, nghiêm trọng nhất là khiến người bệnh thiệt mạng chỉ vì trình độ chuyên môn, tay nghề còn yếu, y đức kém.
Để những hình ảnh của người thầy thuốc đẹp mãi trong lòng nhân dân, để cho y đức luôn là niềm tự hào của ngành y, mỗi thầy thuốc, cán bộ, viên chức, nhân viên y tế trong và ngoài công lập ở tỉnh Đồng Nai cần phải nêu cao lòng nhân ái, cần phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với người bệnh. Làm được điều này mới xứng đáng với những lời dạy của Bác Hồ về y đức, với truyền thống vẻ vang của ngành y, xứng đáng với vẻ đẹp trong sáng và nhân văn của những chiến sĩ khoác áo blouse trắng trên mặt trận phòng, chống bệnh tật và cứu người mà Đảng bộ và chính quyền tỉnh nhà giao cho.
Thanh Nghĩa