Báo Đồng Nai điện tử
En

Vốn cần "chảy chỗ trũng"

10:11, 10/11/2013

Người ta đã quá quen với những lời than thở thiếu quỹ đất dành cho tái định cư các dự án. Nhiều nơi, người dân phải sống đời tạm cư trôi nổi từ năm này sang năm khác vì chưa được bố trí vào các khu tái định cư do thiếu đất. Nhưng thừa đất tái định cư, tức là có đất sạch, thậm chí đã xong hạ tầng mà vẫn không có nhu cầu bố trí dân vào ở do các dự án mà địa phương "đón đầu" đã không thể triển khai như dự kiến, lại là một hiện tượng "lạ" xảy ra ở Đồng Nai.

Người ta đã quá quen với những lời than thở thiếu quỹ đất dành cho tái định cư các dự án. Nhiều nơi, người dân phải sống đời tạm cư trôi nổi từ năm này sang năm khác vì chưa được bố trí vào các khu tái định cư do thiếu đất. Nhưng thừa đất tái định cư, tức là có đất sạch, thậm chí đã xong hạ tầng mà vẫn không có nhu cầu bố trí dân vào ở do các dự án mà địa phương “đón đầu” đã không thể triển khai như dự kiến, lại là một hiện tượng “lạ” xảy ra ở Đồng Nai.

Nhiều địa phương giờ lại xin chủ trương chuyển đất tái định cư sang đất thương mại để bán, thu hồi vốn do không có nhu cầu sử dụng.

Cũng khó trách chính quyền các huyện trước tình trạng thừa đất tái định cư gây lãng phí như hiện tại, bởi chỉ cách đây mấy năm, cách làm “đi tắt, đón đầu” của họ đã được đồng thuận, khi tình hình kinh tế vẫn sáng sủa và những kỳ vọng phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các huyện xa trung tâm vẫn đầy ắp.

Nhiều huyện vay tiền từ ngân sách tỉnh, tìm quỹ đất, xây hạ tầng, định sẽ dùng làm chỗ tái định cư cho dân khi các dự án triển khai để không rơi vào tình thế bị động. Nhưng nhiều dự án (hoặc có kế hoạch cụ thể, hoặc chỉ hứa miệng), đã không thể triển khai vì nhiều lý do. Đi kèm với những khu công nghiệp vắng bóng nhà đầu tư ở các huyện, là những khu tái định cư cỏ mọc lút đầu người.

Trong khi đó, tại TP. Biên Hòa, hàng ngàn người dân vẫn đang bị “nợ” tái định cư, vì dự án phát triển nóng, trong khi quỹ đất dành cho tái định cư ngày càng thu hẹp. Biên Hòa đang xoay trở vất vả tìm đất tái định cư cho hàng chục dự án từ nhỏ đến lớn, như: cải tạo suối Săn Máu, cải tạo tuyến nước thải phường Tam Hiệp, tuyến đường tránh Biên Hòa chỉnh trang Khu công nghiệp  Biên Hòa 1... Và vốn vẫn thiếu, thiếu trầm trọng trước nhu cầu bố trí tái định cư cứ mỗi ngày một “nở” thêm ra trong bối cảnh thành phố phải nhanh chóng phát triển hạ tầng. Trong đó, nhiều nơi phải “tái định cư cho tái định cư”, chấp nhận cảnh “dự án lồng dự án” và chính quyền cũng nhiều lần thất hứa với người dân.

Rõ ràng, việc phân bổ nguồn vốn dành cho tái định cư cần một sự rà soát kỹ lưỡng hơn, bài bản hơn từ khâu xem xét khả năng thực hiện của các dự án đầu tư tại các địa bàn xa trung tâm, cho đến việc chọn thời điểm đầu tư hạ tầng tái định cư như thế nào là hợp lý, là điều cần suy nghĩ. Mặt khác, cũng không nên giữ tư duy, huyện này được phân vốn tái định cư thì huyện khác cũng phải được, vì phát triển là phát triển chung. Vốn cần “chảy chỗ trũng”, chỗ nào thiếu đất, dân sống tạm cư nhiều thì chỗ đó nên là nơi cấp bách cần bố trí nguồn vốn sớm nhất, thay vì bố trí vốn cho các nơi chỉ “đón đầu” dự án, chưa cấp thiết.

Tiền cũng đã bỏ ra, nhiều khu tái định cư chơ vơ đang được hy vọng sẽ bán được nhằm giải quyết vốn tồn đọng nếu được chấp thuận chuyển sang đất thương mại, nhưng thật khó nói trước là điều này có khả thi hay không, giữa lúc thị trường bất động sản tại các đô thị vẫn chật vật, huống gì, hàng trăm lô đất ấy lại ở những huyện vùng xa - nơi mà nhu cầu đất ở và sự dịch chuyển về nhà, đất của người dân không lớn.        

Kim Ngân

 

 

 

Tin xem nhiều