Đã hai năm nay, tuần nào bà Nguyễn Thị Lài (63 tuổi, phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) cũng phải tới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để khám bệnh, lấy thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Đã hai năm nay, tuần nào bà Nguyễn Thị Lài (63 tuổi, phường Bình Đa, TP. Biên Hòa) cũng phải tới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai để khám bệnh, lấy thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Mỗi lần bà đi khám bệnh là cả gia đình 3 người phải lục đục dậy từ 3 giờ sáng, người lo chở bà tới bệnh viện, người đành phải xem ngồi xem ti vi vì lỡ giấc… Bà bảo, nếu không tới lấy số sớm, dù được ưu tiên cũng phải chờ đợi đến tận chiều mới có kết quả xét nghiệm và lấy thuốc. Chịu khó đến sớm, khám sớm để về sớm!
Bà Lài là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính đang coi bệnh viện là nhà. Sợ quá tải bệnh nhân, sợ phải chờ đợi đã khiến những bệnh nhân này (đa số là người lớn tuổi) mỗi lần đi khám bệnh phải thức dậy từ 2-3 giờ sáng tới bệnh viện, lấy số, vạ vật chờ đợi để đúng 6 giờ 30 được là những người đầu tiên vào khám bệnh, làm các xét nghiệm… Đến sớm là vậy nhưng họ cũng phải mất từ 6-7 giờ mới hoàn tất quy trình khám bệnh để được lấy thuốc và trở về nhà. Còn các bệnh nhân đến sau, việc chờ đợi từ 7 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều là chuyện bình thường.
Quá tải bệnh nhân là bài toán khó mà ngành y tế đang nỗ lực giải quyết. Mới đây, Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhằm siết chặt quy trình khám chữa bệnh, trong đó các khâu khám chữa bệnh giảm từ 12 bước xuống 4 bước cơ bản, gồm: tiếp đón, khám và chẩn đoán, thanh toán viện phí, cấp và lấy thuốc. Thời gian khám bệnh đơn thuần là 2 giờ, khám lâm sàng thêm 1 xét nghiệm là 3 giờ, khám lâm sàng thêm 2 kỹ thuật là 3,5 giờ, còn làm trên 3 kỹ thuật là 4 giờ. Như vậy, trung bình thời gian từ khi khám bệnh đến lấy thuốc, Bộ Y tế khống chế trong vòng từ 2-4 giờ. Tuy nhiên, giám đốc một bệnh viện ở Đồng Nai cho rằng, quy trình khám chữa bệnh mà Bộ Y tế đưa ra khá lý tưởng song là điều không tưởng, bởi tình trạng chung của hầu hết các bệnh viện hiện nay là cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu bác sĩ trầm trọng. Trong khi đó, trung bình một bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã phải khám cho khoảng 2 ngàn lượt bệnh nhân/ngày; 80-90 bệnh nhân/bác sĩ/ngày.
Con số 2 ngàn lượt bệnh nhân mà vị bác sĩ kia đưa ra chưa chắc đã là con số chính xác bởi vẫn đang tồn tại tình trạng “ảo” bệnh nhân, quá tải “ảo” và thích quá tải ở không ít bệnh viện, nhất là bệnh viện công. Tuy nhiên, để những bệnh nhân lớn tuổi phải đi khám bệnh từ 3 giờ sáng và phải chờ đợi 6-7 giờ đồng hồ mới khám xong thì quả là điều mà các bệnh viện phải tìm giải pháp khắc phục trong khả năng của mình.
Minh Ngọc