Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng từ gốc

11:09, 09/09/2013

Một cộng tác viên câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở kể câu chuyện vừa vui vừa buồn: gia đình nọ, chị vợ sau nhiều lần bị chồng bạo hành đã quyết "vùng lên" kêu cứu. Xét thấy anh chồng phạm tội cố ý gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe người vợ; nên cơ quan chức năng đã khởi tố anh chồng với mức án đề nghị là 6 tháng tù giam.

Một cộng tác viên câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở kể câu chuyện vừa vui vừa buồn: gia đình nọ, chị vợ sau nhiều lần bị chồng bạo hành đã quyết "vùng lên" kêu cứu. Xét thấy anh chồng phạm tội cố ý gây thương tích, làm tổn hại sức khỏe người vợ; nên cơ quan chức năng đã khởi tố anh chồng với mức án đề nghị là 6 tháng tù giam. Hay tin, chị vợ vác cái bụng bầu vượt mặt, bế con đến "ăn vạ" tại các cơ quan, xin tha cho chồng. Chị nói hồn nhiên: “Em tưởng mách để các bác dọa cho nhà em sợ, để từ nay nó đừng đánh em nữa thôi. Đằng này các bác bắt nó đi tù, thế thì lấy ai đi làm nuôi con em?”.

 Từ câu chuyện trên, cho thấy dù Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng khi áp dụng vào cuộc sống vẫn còn bộc lộ những bất cập. Nhiều vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng nhưng hình phạt còn quá nhẹ, vì vậy tính phòng ngừa răn đe còn hạn chế, chưa kể đến một số hạn chế trong việc xử lý như tình huống trên. Bên cạnh việc đưa phòng, chống bạo lực gia đình vào luật, nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức, như xây dựng mô hình Ngôi nhà bình yên để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp nhất thời, không thể giải quyết tận gốc vấn đề, chưa ngăn chặn triệt để tình trạng bạo lực gia đình.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, như: nghiện rượu, cờ bạc, con cái hư hỏng, vi phạm pháp luật... dẫn đến kinh tế khó khăn, suy sụp, vợ chồng lục đục, mâu thuẫn gay gắt, và khi đó bạo hành xảy ra là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình còn do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta. Ðiều đáng nói là một số nạn nhân của bạo lực gia đình có tâm lý cam chịu, không muốn tố cáo, sợ “vạch áo cho người xem lưng”...

Theo “công thức” chung, công tác phòng, chống bạo lực gia đình phải được kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp. Nhưng có thể thấy trong các giải pháp, yếu tố phòng ngừa giữ vai trò then chốt. Trong đó, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của mọi người về gia đình, làm tốt công tác tư vấn hòa giải đi đôi với phòng, chống tệ nạn xã hội là giải pháp hiệu quả từ gốc. Tuyên truyền tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng các thiết chế gia đình bền vững cũng là giải pháp nội lực để phòng tránh bạo lực gia đình.

Thanh Thúy

Tin xem nhiều