Hiện đang có một xu hướng mới của nhiều bà nội trợ Việt Nam trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn, như một cách phản ứng lại thị trường thực phẩm và đồ uống độc hại, nhiều nguy cơ hiện nay, là tìm cách ăn đúng và uống đúng, với câu slogan được truyền đi khắp nơi: “Ăn uống sai, thuốc gì cũng không đủ - Ăn uống đúng, thuốc gì cũng là thừa”.
Hiện đang có một xu hướng mới của nhiều bà nội trợ Việt Nam trên các trang mạng xã hội và các diễn đàn, như một cách phản ứng lại thị trường thực phẩm và đồ uống độc hại, nhiều nguy cơ hiện nay, là tìm cách ăn đúng và uống đúng, với câu slogan được truyền đi khắp nơi: “Ăn uống sai, thuốc gì cũng không đủ - Ăn uống đúng, thuốc gì cũng là thừa”.
Tuy vậy, chuyện bữa ăn miếng uống hàng ngày dường như đang dần trở nên không đơn giản với mỗi người. Tưởng chừng với tất cả các dịch vụ tiện lợi ngày nay, người ta sẽ dễ dàng hơn, yên tâm hơn khi nước uống hàng ngày cũng được cung ứng tận nhà. Rất nhiều gia đình đã lựa chọn sự tiện lợi đó, đặt niềm tin vào sự bảo đảm về vệ sinh và độ tinh khiết từ nhà sản xuất. Nhưng thực tế, sự lỏng lẻo về cấp phép, quản lý lại đặt người dân vào nỗi lo lắng thường trực cho sức khỏe của mình.
Lo là đúng, vì thực tế, xin cấp phép và mua công nghệ lọc nước để đóng chai bán hiện tại có vẻ quá dễ dàng. Chỉ cần một căn phòng nhỏ, từ 1-2 nhân công, dây chuyền lọc nước vài chục triệu là có thể thành một “nhà sản xuất nước tinh khiết” sẵn sàng tung sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Phát biểu trên báo chí, một tiến sĩ thuộc Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết, hiện có những dây chuyền sản xuất nước tinh khiết có giá vài chục triệu đồng, vẫn đầy đủ các công đoạn khử trùng bằng tia cực tím, thẩm thấu ngược R.O... Vì thế, rất nhiều cơ sở tư nhân đã chọn phương án dùng nước được hút từ giếng khoan lên, lọc bằng than hoặc sỏi, rồi xử lý, đóng chai, cung cấp ra thị trường loại nước uống tinh khiết, trong khi khái niệm “tinh khiết” vốn chỉ có trong phòng thí nghiệm.
Thực tế, tại TP. Biên Hòa các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình tinh khiết tại gia, trong đó không thiếu cơ sở hồn nhiên bơm nước giếng khoan lên để sản xuất, mà không chú ý, hoặc cố tình lờ đi thông tin rằng, Biên Hòa có nhiều nơi mà hàm lượng chất độc dioxin từ thời chiến tranh lưu lại nhiều năm trong đất. Hoặc ở khu vực Trảng Dài, chất lượng nước ngầm ở mức báo động nhiều năm do nước rỉ thải của bãi rác thành phố ngấm dần vào đất.
Nhiều người tự hỏi, lẽ nào phải quay về phương pháp tự trồng rau ăn, tự đun nước uống theo kiểu tự cung tự cấp ngày xưa? Việc này đòi hỏi trách nhiệm thường trực từ phía cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo vệ sinh và an toàn cho người uống nước được gọi là tinh khiết.
Kim Ngân