Đối với trẻ em, những ngày hè là khoảng thời gian lý tưởng để được vui chơi, giải trí sau 9 tháng học hành căng thẳng. Thế nhưng đến thời điểm này, dù đã vào giữa mùa hè, vì nhiều lý do nên không phải em nào cũng có được những ngày hè đầy ý nghĩa.
Đối với trẻ em, những ngày hè là khoảng thời gian lý tưởng để được vui chơi, giải trí sau 9 tháng học hành căng thẳng. Thế nhưng đến thời điểm này, dù đã vào giữa mùa hè, vì nhiều lý do nên không phải em nào cũng có được những ngày hè đầy ý nghĩa.
Với trẻ em vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi vừa gấp tập sách lại sau năm học, các em đã cùng cha mẹ đầu tắt mặt tối trong cuộc mưu sinh: ra ruộng đồng, đi làm thuê để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình và dành dụm ít tiền chuẩn bị mua sách vở, quần áo cho năm học mới. Ngay ở thành thị, một số trẻ cũng không biết đến ngày hè bởi ngày ngày các em phải đội nắng dầm mưa đi bán vé số, phụ bưng bê ở các nhà hàng, quán ăn...
Trong khi đó, lại có những trường hợp chưa vào hè, cha mẹ đã đăng ký cho các em khá nhiều lớp học hè: ôn tập kiến thức, học trước chương trình, học các môn năng khiếu văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống… Với các em, có khi những ngày hè còn tất bật, căng thẳng hơn cả trong năm học!
Ngay đầu mùa hè 2013, trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Thành Trí, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo hè tỉnh, đã khẳng định năm nay tỉnh tập trung đưa nhiều hoạt động hè về cơ sở; quan tâm hơn đến trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và con em công nhân ở các khu nhà trọ. Thực tế thời gian qua, các địa phương, đơn vị, Nhà Thiếu nhi Đồng Nai… đã có những hoạt động dành cho các em thông qua chương trình Ngày hội tuổi thơ, trại hè cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chiếu phim miễn phí… nhưng xem ra những hoạt động này như muối bỏ biển khi vẫn chưa đến được với nhiều trẻ có nhu cầu.
Trong khi đó, mùa hè cũng đồng nghĩa với nỗi lo của nhiều người về tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tính bình quân mỗi ngày ở nước ta có 12 trẻ bị đuối nước. Tại Đồng Nai, qua thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mọi người không khỏi đau lòng khi đọc những bản tin về trẻ em bị đuối nước trong dịp hè (ngay số báo này cũng có đưa tin 2 trường hợp). Dù nói nhiều, nhắc nhiều, day dứt nhiều nhưng tình trạng này vẫn xảy ra mỗi khi hè về. Ngoài ra, trong dịp hè, một khi cha mẹ thiếu sự quan tâm, trẻ em rất dễ sa vào nghiện internet và các tệ nạn xã hội khác.
Sau những tháng ngày chịu áp lực học hành, trẻ em cần lắm những sân chơi lành mạnh, an toàn trong những ngày hè. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, phụ giúp gia đình việc nhà, trẻ cần có những hoạt động để nâng cao thể lực, tăng khả năng chịu đựng, rèn kỹ năng sống và có một tinh thần thoải mái trước khi bước vào năm học mới. Do đó, cần lắm sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội để lo cho trẻ em có những ngày hè trọn vẹn...
Kim Tuấn