Hôm nay 11-7, các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai tham gia kỳ họp thứ 7 sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu.
Hôm nay 11-7, các đại biểu HĐND tỉnh Đồng Nai tham gia kỳ họp thứ 7 sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu. Đây là lần đầu tiên, HĐND thể hiện quyền giám sát về công tác nhân sự, thực hiện nhiệm vụ rất hệ trọng và có ý nghĩa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Tư, lấy phiếu tín nhiệm là một hình thức giám sát trực tiếp tại nghị trường, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Hoạt động này còn là kết quả tổng hợp của quá trình giám sát các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn về đạo đức, phẩm chất, năng lực và hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thông điệp nhắc nhở, cảnh báo của đại biểu dân cử đối với mỗi chức danh, giúp người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy ưu điểm, nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để sửa chữa. Bên cạnh đó, việc lấy phiếu tín nhiệm còn giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để ra sức phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mỗi người làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, sử dụng cán bộ.
Thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi văn bản kèm danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm đến Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai thực hiện và kết quả là không có ý kiến cử tri liên quan đến 15 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này. Đại biểu HĐND tỉnh đã có thời gian nghiên cứu kỹ các báo cáo của từng người giữ các chức danh do HĐND bầu.
Và hôm nay, đại biểu thay mặt nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm một cách khách quan, dân chủ, công tâm, thận trọng, chính xác và thực chất. Nói như Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương thì: “Khi thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu không nên dựa vào những thông tin không chính thức, thông tin bên ngoài, phải kiểm soát thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm mà mình tiếp nhận được, tuyệt đối tránh tình trạng để cho vấn đề mang tính cá nhân chi phối trong việc bỏ phiếu”.
Cử tri đang rất trông đợi vào những lá phiếu công tâm của đại biểu để xác định ai là người có “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” trong bộ máy do chính đại diện của cử tri bầu lên.
Nguyễn Phượng