Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể chùn tay

11:07, 01/07/2013

Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin dường như không bao giờ vắng bóng tai nạn giao thông (TNGT), thậm chí có những lúc số vụ TNGT thảm khốc, bi thương dồn dập đến mức người xem phải rùng mình.

Hàng ngày, trên các phương tiện thông tin dường như không bao giờ vắng bóng tai nạn giao thông (TNGT), thậm chí có những lúc số vụ TNGT thảm khốc, bi thương dồn dập đến mức người xem phải rùng mình.

Thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với nhiều chiến dịch tuyên truyền, cổ động, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân nhằm kéo giảm TNGT nhưng TNGT nhìn chung vẫn còn cao. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 5 tháng đầu năm 2013 trên cả nước xảy ra 12.052 vụ TNGT, làm chết 4.163 người, bị thương 12.171 người. Nếu so với cùng kỳ năm 2012 cho dù đã giảm được số vụ TNGT (2.089 vụ, bằng 14,77%), giảm số người bị thương (3.047 người, bằng 20,02%) song số người chết vẫn tăng 28 người (tăng 0,68%).

Nguyên nhân vì sao TNGT vẫn còn cao đã được các cơ quan và lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất họp bàn, phân tích, mổ xẻ khá rõ ràng, cụ thể. Gần đây nhất, vào tối chủ nhật 30-6, trên chuyên mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” của VTV1, Bộ trưởng Giao thông - vận tải Đinh La Thăng khẳng định:  Nguyên nhân trực tiếp chính là từ những người lái xe, nhưng chúng ta phải thấy nguyên nhân sâu xa chính là từ khâu quản lý nhà nước. Đó là việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe, việc đăng kiểm định kỳ các phương tiện giao thông, chất lượng hệ thống đường bộ (bao gồm biển báo), trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, đạo đức của đội ngũ thanh tra giao thông. Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, sáng 2-7 tọa đàm trực tuyến sẽ bàn về “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông” với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đại diện doanh nghiệp vận tải hành khách. Các vụ TNGT tăng có nguyên nhân chính là do lái xe và các cơ sở kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về an toàn giao thông; công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải còn bị buông lỏng, hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm còn hạn chế.

Các biện pháp đưa ra hòng ngăn chặn tình trạng vi phạm an toàn giao thông và kéo giảm TNGT ngày càng được siết chặt. Mới đây nhất, kể từ ngày 1-7 lực lượng thanh tra giao thông sẽ cùng cảnh sát giao thông kiểm tra việc lắp đặt, tình trạng kỹ thuật, khai thác, quản lý cập nhật thông tin của thiết bị hành trình (hộp đen) trong kinh doanh vận tải. Theo đó, sẽ lập biên bản nếu ô tô thuộc diện bắt buộc phải lắp hộp đen nhưng không lắp hoặc lắp nhưng hộp đen không hoạt động. Nếu phát hiện doanh nghiệp vận tải có trên 20% số xe vi phạm sẽ đề nghị đình chỉ hoạt động.

Tuy nhiên, cần phải chấn chỉnh lại công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đặc biệt là công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nhằm tránh các biểu hiện tiêu cực trên khâu lưu thông như nhận hối lộ hoặc “bảo kê”, dung dưỡng các sai phạm của giới lái xe, chủ xe.

Không chùn tay trong việc siết chặt công tác quản lý nhà nước về hoạt động vận tải và tăng cường kỷ cương, kỷ luật của công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm  mới có thể hy vọng kéo giảm đáng kể số vụ TNGT.          

Xuân Phú

Tin xem nhiều