Báo Đồng Nai điện tử
En

Không lẽ bó tay!

09:07, 21/07/2013

Nhiều người dân gọi hàng trăm căn nhà ở tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú , huyện Vĩnh Cửu là nhà “4 không”: đất không có sổ đỏ, nhà xây dựng không phép, không có hộ khẩu và không đồng hồ điện, nước (xem bài trang 7 số báo hôm nay). Đáng kinh ngạc là con số nhà “4 không” tại ấp 1 này  không chỉ có vài chục mà lên tới gần 500 căn, đây là một trong những trường hợp điển hình về nhà xây dựng không phép có thể đưa vào kỷ lục Guiness !

Nhiều người dân gọi hàng trăm căn nhà ở tổ 9, ấp 1, xã Thạnh Phú , huyện Vĩnh Cửu là nhà “4 không”: đất không có sổ đỏ, nhà xây dựng không phép, không có hộ khẩu và không đồng hồ điện, nước (xem bài trang 7 số báo hôm nay). Đáng kinh ngạc là con số nhà “4 không” tại ấp 1 này  không chỉ có vài chục mà lên tới gần 500 căn, đây là một trong những trường hợp điển hình về nhà xây dựng không phép có thể đưa vào kỷ lục Guiness !

Hàng chục năm qua, tình trạng nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm đất công như dịch bệnh lây lan trên diện rộng nhưng chưa có thuốc đặc trị. Cứ thế ngày càng nảy nở nhiều “làng” và “khu phố” nhà xây không phép như một sự thách đố chính quyền ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ông Mai Văn Trên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cho biết năm 2008 xã kiểm tra ấp 1 chỉ có 44 nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhưng đến nay đã lên đến gần 500 căn! Tại Biên Hòa, có một điển hình về nhà xây dựng không phép lấn chiếm đất quy hoạch, đó là ở khu liên hợp thể dục - thể thao tỉnh nằm tại phường Tân Hiệp. Thoạt đầu chỉ có dăm hộ, sau đó tăng lên vài chục rồi hàng trăm hộ, bất chấp báo đài tỉnh liên tục lên tiếng cảnh báo, phê phán hiện tượng này,  đến nay con số nhà xây không phép ở đây đã lên trên 1.000 căn. Ai phải chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng này? Câu trả lời được “đá qua đá lại” cho thấy trách nhiệm thuộc về nhiều sở, ngành có liên quan cùng với chính quyền phường và TP. Biên Hòa. Rõ là “lắm sãi nên không ai đóng cửa chùa”.

Thỉnh thoảng ở các địa phương vẫn có những đợt ra quân giải tỏa nhà xây dựng trái phép nhưng xem ra việc làm này chẳng khác nào “chuồn chuồn đáp mặt nước”, không thấm vào đâu, không đủ sức ngăn cản,  răn đe. Do vậy, người vi phạm luật ngày càng nhiều hơn, tính nghiêm minh của pháp luật trong một thời gian dài đã không được thực thi kịp thời và hiệu quả đã để lại hậu quả rất lớn về mặt xã hội, không thuyết phục, cổ động mọi người dân phải tôn trọng pháp luật.

Nhà xây dựng không phép vẫn ngang nhiên tồn tại và chính quyền địa phương không thể không biết. Nhưng biết vẫn không làm gì để ngăn chặn là một biểu hiện của sự yếu kém, buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước. Hơn thế nữa, nó còn cho thấy sự không nghiêm minh và công bằng của pháp luật, và cứ như “vết dầu loang” khi người vi phạm ngày càng nhiều lên, thách thức sự can thiệp, xử lý của chính quyền sở tại. Đó cũng là biểu hiện của sự công khai hay ngấm ngầm thỏa hiệp với tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng. Không lẽ đành bó tay?

Xuân Phú

Tin xem nhiều