Người Biên Hòa - Đồng Nai từng một thời tự hào về Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, bởi đây là KCN tập trung có sớm nhất ở miền Nam và là biểu tượng về sự phát triển công nghiệp trên vùng đất này.
Người Biên Hòa - Đồng Nai từng một thời tự hào về Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, bởi đây là KCN tập trung có sớm nhất ở miền Nam và là biểu tượng về sự phát triển công nghiệp trên vùng đất này.
KCN Biên Hòa 1 là KCN tổng hợp với hơn 100 nhà máy có đầy đủ các ngành nghề sản xuất, từ công nghiệp nhẹ như may mặc, sản xuất giấy đến công nghiệp nặng như: cơ khí, luyện kim; có cả nhà máy chế biến thực phẩm dành cho người lẫn nhà máy chế biến thức ăn gia súc, sản xuất hóa chất. Hầu hết nước thải ở KCN Biên Hòa 1 đều được tuôn thẳng xuống dòng sông Đồng Nai. Trong số này, nhiều nhà máy có chất thải gây ô nhiễm nặng nề.
Trong hàng chục năm qua, KCN Biên Hòa 1 đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách địa phương. Thế nhưng, đến nay thì đã khác, do tuổi đời của KCN Biên Hòa đã tròn 50 năm nên hạ tầng kỹ thuật nói chung, trong đó có hệ thống xử lý nước thải, đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều nhà máy có thiết bị đã lạc hậu, sản xuất đôi khi cầm chừng vì thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Cho dù không ít nhà máy đã đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải nhưng nhìn chung, nước thải từ KCN Biên Hòa 1 vẫn là mối đe dọa rất đáng sợ với dòng sông Đồng Nai. Trên thực tế, qua khảo sát đo đạc của ngành tài nguyên - môi trường nhiều năm qua, thì nhiều vị trí trên sông Đồng Nai bị ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép nhiều lần mà nguyên nhân hàng đầu là chất thải công nghiệp của nhiều KCN và cụm công nghiệp của nhiều tỉnh, thành khu vực, trong đó “đầu đàn” là KCN Biên Hòa 1.
Có thể nói, KCN Biên Hòa 1 đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và việc di dời các nhà máy đến KCN khác thích hợp để hoán đổi công năng ở đây là chuyện chẳng thể dừng. Theo cơ quan chuyên môn tính toán, mỗi ngày hơn 100 nhà máy đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra hơn 7,7 ngàn m3 nước thải, nhưng chỉ có 1,1 ngàn m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại được các nhà máy tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tất nhiên, việc di dời toàn bộ nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 không thể làm ngay trong một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình, đáng quan tâm là các chính sách ưu đãi để đảm bảo lợi ích chính đáng và duy trì sản xuất ổn định cho các nhà máy.
Ai cũng biết, nguồn nước sông Đồng Nai nuôi sống khoảng 20 triệu dân ở các tỉnh, thành trong khu vực, hiện thời khả năng tự làm sạch của sông Đồng Nai ngày càng bị đe dọa. Chính vì vậy, đánh đổi một hay nhiều KCN, cụm công nghiệp để cứu dòng sông Đồng Nai là chuyện phải làm, không thể đảo ngược.
Xuân Phú