Báo Đồng Nai điện tử
En

Bánh mì và hoa hồng

11:07, 15/07/2013

Trong lần giao lưu, gặp gỡ công nhân lao động tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, cô công nhân Cao Thị Tình đã gây bất ngờ khi hát bài nhạc “chế” từ ca khúc Giã từ. Ca khúc “chế” mô tả chân thực đời sống người công nhân: “Cuộc đời cô công nhân, không tình lại nghèo nàn, làm sao có tiền để xài. Lương tháng 2 “chai”, chia nhau tô mì gói, một phòng 7, 8 đứa, trời ơi chán vô cùng

Trong lần giao lưu, gặp gỡ công nhân lao động tại Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, cô công nhân Cao Thị Tình đã gây bất ngờ khi hát bài nhạc “chế” từ ca khúc Giã từ. Ca khúc “chế” mô tả chân thực đời sống người công nhân: “Cuộc đời cô công nhân, không tình lại nghèo nàn, làm sao có tiền để xài. Lương tháng 2 “chai”, chia nhau tô mì gói, một phòng 7, 8 đứa, trời ơi chán vô cùng. Ngày ngày vô công ty, tối mò mới được về nhà, ngày đêm cứ làm đều đều. Sáng sớm vô ca, tăng ca tuần 5 bữa, quần quật quanh năm suốt tháng, làm sao lấy được chồng...”. Bài hát gây xúc động mạnh nơi người nghe về nỗi niềm của lao động nhập cư.

Một vị đại biểu HĐND tỉnh từng phát biểu: “Công nhân lao động có 3 cái không: không tiền, không nhà cửa, không tương lai”. Dù Nhà nước đã có quy định và nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, nhưng trong thực tế, thu nhập của công nhân lao động hiện nay cố gắng tằn tiện lắm cũng chỉ tạm đủ cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu nhất, như: ăn, mặc, ở (nhà thuê), còn lại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tái tạo sức lao động, tích lũy. Từ đó, chuyện công nhân mua được nhà để an cư lạc nghiệp trên vùng quê mới sẽ mãi là chuyện “trong mơ”, tương lai họ ngày càng bấp bênh dần theo thời gian khi tuổi thanh xuân mỗi ngày, mỗi năm mòn mỏi dần nơi phân xưởng, nhà máy.

Nhưng có phải công nhân chỉ cần có thu nhập cao hơn, cần có nhà cửa, hoặc cần những giá trị thuộc về vật chất? Khi được hỏi có ước mơ gì, các cô công nhân nhà trọ ấy lại bất ngờ thổ lộ: “Chúng em vào làm công nhân ở đây đã lâu, người mới thì 2, 3 năm, người lâu cũng 7, 8 năm, nhưng chưa từng được chơi vui như thế này. Nếu bảo ước gì, chúng em chỉ ước sao có điều kiện để mỗi tháng có thể được họp mặt vui chơi. Mà sao bây giờ người ta viết nhạc toàn những gì gì, chẳng thấy ai viết về công nhân, nên chúng em chỉ biết “chế” lời để hát thôi ạ”.

Hóa ra, nỗi đau đáu trong cuộc mưu sinh của những người lao động xa quê ấy không chỉ là chuyện kiếm tiền, mà niềm mong ước được hưởng thụ, bồi đắp những giá trị văn hóa tinh thần cũng mãnh liệt, khát khao không kém. Trong trường hợp trên, cô công nhân ấy không phải chỉ cần bài hát để hát, mà một ca khúc viết về công nhân, dành cho công nhân chính là nhu cầu khẳng định mình. Lâu nay, các cơ quan chức năng đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp để nâng cao đời sống người lao động, nhưng bên cạnh đó, đã đến lúc cần có sự quan tâm đúng mức đến đời sống tinh thần. Văn hóa tinh thần không chỉ là tổ chức chiếu phim, văn nghệ như lâu nay, mà còn cần các hoạt động khẳng định giá trị của giai cấp công nhân. Trước đây, công nhân từng tự hào với các tác phẩm văn học nghệ thuật như tiểu thuyết Vùng mỏ (Nguyễn Huy Tâm), ca khúc Bài ca xây dựng (Hoàng Vân), thì công nhân ngày nay cũng có quyền mong chờ vào những món ăn tinh thần mới.

Bánh mì và hoa hồng bao giờ cũng có giá trị ngang nhau trong cuộc sống của người lao động.      

Thanh Thúy

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích