Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuyến du lịch cần được đầu tư

09:10, 03/10/2011

Tuyến sông Đồng Nai từ hạ lưu lên thượng nguồn với nhiều di tích, danh thắng và những ưu thế về sản phẩm du lịch sông nước, từ năm 2006 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch trong 5 tuyến phát triển du lịch ở Đồng Nai.

Tuyến sông Đồng Nai từ hạ lưu lên thượng nguồn với nhiều di tích, danh thắng và những ưu thế về sản phẩm du lịch sông nước, từ năm 2006 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch trong 5 tuyến phát triển du lịch ở Đồng Nai. Theo quy hoạch, tuyến du lịch này bao gồm các điểm dừng có sức hấp dẫn, như: làng cổ Bến Gỗ, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thất phủ cổ miếu (chùa Ông), Đại giác cổ tự, danh thắng Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên và một số khu du dịch, điểm dừng chân lý thú…Ngoài ra, tuyến du lịch nằm ngay trung tâm thành phố Biên Hòa, có thể kết nối với các điểm du lịch khác ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương… cũng là ưu thế.

Khách du lịch tham quan Cù lao Ba Xê (TP. Biên Hòa) - một điểm du lịch trên sông Đồng Nai.  Ảnh: K. Ngân
Khách du lịch tham quan Cù lao Ba Xê (TP. Biên Hòa) - một điểm du lịch trên sông Đồng Nai. Ảnh: K. Ngân

Tuy nhiên, việc đầu tư và khai thác nó như thế nào để đúng tầm và có sức thu hút trong thực tế vẫn là vấn đề đặt ra. Trong những năm qua, đã có nhiều đợt khảo sát của các cơ quan chức năng nhằm tìm kiếm những giải pháp đầu tư, đặc biệt mới đây là một cuộc hội thảo được phối hợp tổ chức giữa đại diện của hai Sở Văn hóa, thể thao, du lịch Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Những ưu thế của sông Đồng Nai và tuyến du lịch này đã rõ, nói như nhiều đại biểu tại hội thảo là “như “nàng tiên nữ” đang say giấc, chưa được đánh thức và khai thác đúng tầm”. Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra rằng: cơ sở hạ tầng thiếu thốn, sự “bối rối” trong việc lựa chọn điểm tham quan và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng sông nước…
Phát triển du lịch theo tuyến sông Đồng Nai ngoài việc đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của du khách, còn có ý nghĩa trong việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường; đồng thời còn là việc quảng bá giá trị các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của Đồng Nai.
Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng là cần có sự đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở theo quy hoạch du lịch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nói như ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa- thể thao và du lịch, cần có một cơ chế chính sách phù hợp để kêu gọi đầu tư; mở rộng liên kết nhiều mặt với các công ty du lịch, lữ hành TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh nhằm tạo ra được những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Ngoài ra, cũng cần đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch chuyên nghiệp, thân thiện. Một vấn đề không kém phần quan trọng là phải nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch văn hóa. Có lẽ đây là những vấn đề cần sớm được quan tâm để du lịch Đồng Nai có điều kiện phát triển bền vững.

Duy Nguyễn

 

Tin xem nhiều