Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung nguồn lực cho tam nông

10:07, 13/07/2011

Cách đây gần 3 năm, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã đề ra Nghị quyết 26/NQ-TW - một Nghị quyết mang tính toàn diện, đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”).

Cách đây gần 3 năm, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã đề ra Nghị quyết 26/NQ-TW - một Nghị quyết mang tính toàn diện, đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là “tam nông”). Từ Nghị quyết này, trong hơn 2 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực...
Mới đây, ngày 11-7, Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) của Chính phủ về “tam nông” cho biết, qua hơn 2 năm thực hiện, mức độ tăng trưởng nông nghiệp vẫn được duy trì bình quân 3,36%/năm (mục tiêu Nghị quyết đề ra là 3,2%/năm); cơ cấu sản xuất nông, lâm thuỷ sản chuyển dịch đúng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu thị trường. Riêng tại Đồng Nai, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng cho “tam nông”, trong đó tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất và đào tạo nghề, góp phần hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa lớn; năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản ngày càng được nâng cao; giá trị sản xuất trên 1 hécta đất nông nghiệp tăng 18,7%/năm, mỗi năm giảm được hàng chục ngàn hộ nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền sản xuất nông nghiệp và nông dân, nông thôn nước ta nói chung và Đồng Nai nói riêng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc: Năng lực của cán bộ cơ sở cấp xã vừa thiếu, vừa yếu; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo còn thấp; chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân còn nhiều bất cập; nhiều nơi cân đối nguồn lực cho phát triển nông thôn, nông nghiệp chưa tương xứng...
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu: đưa giá trị sản xuất bình quân tăng 18-23%; 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 62 huyện nghèo phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm phải là 4%... như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề ra, rõ ràng ngành NN-PTNT, cùng các ngành có liên quan và các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải làm.…Trong đó, ngoài việc huy động mọi nguồn lực cho “tam nông”, theo nhiều chuyên gia, có 2 vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết, đó chính là việc đào tạo nhân lực và tích tụ đất đai. Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết đã lấy nông dân làm trung tâm thì đào tạo nhân lực phải là ưu tiên số 1. Bởi, với tốc độ đào tạo chậm như hiện nay, nông dân vẫn sẽ còn làm nông theo kinh nghiệm và chúng ta khó có thể có nền nông nghiệp hiện đại, cạnh tranh quốc tế. Mặt khác, các chủ hộ sử dụng đất ở Việt Nam cần phải khớp nối lại với nhau để có quy mô sản xuất lớn hơn, như tăng cường phát triển các tập đoàn sản xuất, hợp tác xã lớn chẳng hạn. Vì có làm được như vậy, mới có thể tập trung đầu tư, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả.

Hoàn Vũ

 

Tin xem nhiều