Khi một đứa trẻ ra đời, hay một phụ nữ mang thai, điều được nhiều người quen thân quan tâm đó là bé trai hay bé gái. Thực tế trong xã hội hiện đại, vấn đề về giới tính của trẻ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Khi một đứa trẻ ra đời, hay một phụ nữ mang thai, điều được nhiều người quen thân quan tâm đó là bé trai hay bé gái. Thực tế trong xã hội hiện đại, vấn đề về giới tính của trẻ tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, sự mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng thể hiện rõ và được các cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo. Nếu như năm 2000, tỷ số giới tính khi sinh là 106,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái (vào mức trung bình của thế giới), thì đến năm 2008, tỷ lệ bé trai đã tăng lên 112,1. 43/63 tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ bé trai khi sinh vượt mức 110. Trong đó, Đồng Nai nằm trong top đầu về mất cân bằng giới tính, với tỷ lệ là 111 bé trai.
Theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung là do trong xã hội vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai để nối dõi tông đường. Đồng thời, khi thực hiện chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình và khi đời sống nâng cao, mọi người càng cân nhắc hơn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh con. Điều đó lý giải vì sao không ít gia đình đã tìm mọi cách để có con như ý muốn thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tiến hành siêu âm xác định giới tính và nạo phá thai khi thai nhi có giới tính không như mong muốn…
Trong khi đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng với tốc độ nhanh như ở nước ta sẽ có những tác động về nhiều mặt đến kinh tế - xã hội: nam giới sẽ khó lập gia đình, tệ nạn xã hội phát sinh, tình trạng lệch lạc giới tính, nam giới phải làm những công việc thuộc sở trường của phụ nữ v.v…
Trước tình trạng này, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án giảm mất cân bằng giới tính tại các tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng cao. Riêng tại Đồng Nai, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, trong thời gian tới công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình tiếp tục cần được sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, đã đến lúc các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mỗi người “dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hành vi liên quan đến xác định giới tính thai nhi.
Rõ ràng, những kết quả toàn tỉnh đã đạt được trong thời gian qua về bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tăng tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba…, sẽ không mang lại ý nghĩa trọn vẹn, nếu không giảm được sự mất cân bằng giới tính khi sinh...