Từ nhiều năm nay, vấn đề nhập siêu trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm phân tích, mổ xẻ. Có thể thấy, nhiều yếu tố “đầu vào” khiến cho việc giảm nhập siêu ở Đồng Nai thật sự khó khăn.
Từ nhiều năm nay, vấn đề nhập siêu trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm phân tích, mổ xẻ. Có thể thấy, nhiều yếu tố “đầu vào” khiến cho việc giảm nhập siêu ở Đồng Nai thật sự khó khăn. Chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng hơn 95% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu phải nhập máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất.
Nhiều ngành công nghiệp của khu vực doanh nghiệp FDI như: hàng điện tử, may mặc, giày dép… tuy có giá trị kim ngạch xuất khẩu rất cao, lên đến hơn tỷ USD nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu nên tạo ra giá trị gia tăng thấp. Rất nhiều mặt hàng tưởng như đơn giản nhưng vẫn phụ thuộc nước ngoài, như: đinh đóng giày, nút áo… Bởi, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng chưa được quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nhằm góp phần hạn chế nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Đồng Nai là tỉnh có sản lượng nông sản hàng hóa rất lớn, thế nhưng xuất thô vẫn còn quá nhiều, chưa làm gia tăng giá trị cho hàng nông sản thông qua công nghiệp chế biến. Điều đáng nói là ngay trên một đất nước nổi tiếng về sản xuất nông nghiệp như Việt Nam nhưng hàng năm các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vẫn phải bỏ ra rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu về cho sản xuất thức ăn gia súc (TĂGS). Riêng năm 2010, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂGS, chủ yếu là khô đậu tương, bắp, bột cá, xương thịt… lên tới 2,68 tỷ USD. Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hiện mỗi năm VN phải nhập gần như 100% khô dầu đậu nành, trung bình 2 - 2,5 triệu tấn, gần 1 triệu tấn bắp, 2,5 - 3 triệu tấn cám gạo... Với Đồng Nai, là tỉnh chăn nuôi hàng hóa lớn nhất cả nước, hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn cũng phải bỏ ra hàng trăm triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu cho chế biến TĂGS.
Có thể thấy, để giảm nhập siêu trong cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng cần phải có tầm nhìn chiến lược trong việc hoạch định các chính sách thúc đẩy gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu để hạn chế nhập khẩu. Trong nông nghiệp, đó là tạo vùng nguyên liệu để gia tăng sản lượng các mặt hàng nông sản phục vụ cho chế biến TĂGS và đẩy mạnh công nghiệp chế biến. Trong sản xuất công nghiệp là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và phát triển sản xuất hàng tiêu dùng thay thế cho nhập khẩu.
Thực tế ở Đồng Nai cho thấy, Công ty cổ phần An Phú Thịnh (huyện Trảng Bom) từ một doanh nghiệp thường xuyên phải nhập khẩu sợi từ Trung Quốc để làm găng tay xuất khẩu, đã quyết định bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư nhà xưởng, thiết bị để thành lập xưởng kéo sợi. Hiện tại, dây chuyền nhập từ Đức đã vận hành trơn tru, doanh nghiệp không còn phải nhập khẩu sợi, mà còn dành 40% lượng sợi sản xuất để cung cấp cho các DN khác có nhu cầu.
Nếu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ sẽ đem lại hiệu quả cao và giảm nhập khẩu đáng kể.