Báo Đồng Nai điện tử
En

Vợ luôn than thiếu tiền

11:06, 28/06/2017

Thưa cô Tâm Đan! Cháu năm nay 31 tuổi, đã có gia đình. Vợ chồng cháu cùng đi làm nên cuộc sống vật chất của gia đình cháu ổn định. Nhưng vợ cháu vẫn không lúc nào hài lòng. Cô ấy luôn than phiền giá cả đắt đỏ, rồi cưới hỏi liên miên, đầy năm đầy tháng..., cháu nghe muốn ù tai luôn.

Thưa cô Tâm Đan!

Cháu năm nay 31 tuổi, đã có gia đình. Vợ chồng cháu cùng đi làm nên cuộc sống vật chất của gia đình cháu ổn định. Nhưng vợ cháu vẫn không lúc nào hài lòng. Cô ấy luôn than phiền giá cả đắt đỏ, rồi cưới hỏi liên miên, đầy năm đầy tháng..., cháu nghe muốn ù tai luôn. Cháu bảo cô ấy: “Nhiều người thu nhập còn ít hơn mình mà họ vẫn vun vén chu toàn được cho gia đình, thậm chí còn có tích lũy, từ nay em nên tiết kiệm hơn, tránh lãng phí”. Vậy là cô ta nổi cơn tự ái đùng đùng cho rằng chồng “kẹo kéo”, không ‘‘thoáng”. Dạo này cô ấy còn sinh tật hay lấy tiền của chồng làm cháu rất bực mình. Tuy không có gì giấu vợ, song cháu luôn giữ trong túi một ít tiền phòng thân, vậy mà có hôm sờ đến túi chẳng còn đồng nào, thế là om sòm. Vợ chồng cãi lẫy nhau vì tiền thì thật kỳ cục, cháu không biết phải làm sao, mong được cô chia sẻ.

Phạm Lâm (TP.Biên Hòa)

Lâm thân mến!

Cô không biết có bao nhiêu gia đình cãi nhau vì chuyện tiền bạc, nhưng chắc là cũng không ít. Cô có vài lời chia sẻ cùng cháu thế này:

Theo quan điểm của cháu thì thu nhập nhà cháu không đến nỗi nào so với mặt bằng chung. Nhưng có thể với vợ cháu thì chừng ấy vẫn là… quá ít. Vì biết đâu cô ấy đã quen tiêu xài rộng rãi từ khi chưa lấy chồng. Người thích “xài sang” thì chẳng biết bao nhiêu tiền cho đủ. Thêm vào đó, vợ cháu nói có phần đúng, bây giờ vật giá cao, ngay cả tiền đối nội đối ngoại, tiền hiếu hỷ cũng là một khoản đáng kể. Đó là chưa nói đến nhu cầu đi du lịch, xả stress. Những cô vợ kém đầu óc tổ chức hay có tật “bóc ngắn cắn dài”  rất dễ lâm vào cảnh “đầu kỳ cơm vịt cơm gà. Cuối kỳ cơm muối, cơm cà buồn tênh”.

Theo cô, vợ chồng cháu hãy dừng… cãi nhau, thay vào đó là cùng trao đổi xem nên tổ chức lại đời sống như thế nào cho ổn thỏa. Nếu biết khéo sắp xếp thì mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Tất cả tùy thuộc ở tính khoa học, hợp lý trong chi tiêu của vợ chồng cháu. Vợ cháu có thể không khéo tính toán, cháu đừng vội phê phán mà nên giúp cô ấy. Ví dụ chỉ mua thức ăn cho vài ba ngày, không mua cho cả tuần để tránh nhét đầy ứ tủ lạnh, vừa giảm chất lượng vừa dễ bị… quên. Cháu hãy  “nói có sách, mách có chứng” vài vụ việc cụ thể để vợ cháu rút kinh nghiệm về việc chi xài chưa hợp lý. Có thể vợ cháu ngoài miệng tự ái, nhưng trong bụng cô ấy vẫn thừa nhận. Thế là có kết quả.

Tâm Đan

Tin xem nhiều