Thưa cô Tâm Đan!
Mẹ cháu kể khi mới sinh ra, cháu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm lên 4 tuổi, cháu bị sốt cao, co giật dẫn đến bại liệt. Cha mẹ rất khổ tâm vì cho rằng tại nhà nghèo nên cháu mới bị vậy.
Thưa cô Tâm Đan!
Mẹ cháu kể khi mới sinh ra, cháu cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm lên 4 tuổi, cháu bị sốt cao, co giật dẫn đến bại liệt. Cha mẹ rất khổ tâm vì cho rằng tại nhà nghèo nên cháu mới bị vậy. Nhưng cháu chỉ buồn chứ không trách cha mẹ. Khi lớn lên, cháu luôn mặc cảm vì khiếm khuyết của mình. Năm nay cháu 26 tuổi, chưa lập gia đình, đang làm thợ chính cho một tiệm may lớn. Thu nhập của cháu ổn định, đủ để lo cho bản thân và phụ giúp cha mẹ một phần. Cha mẹ đã cao tuổi, muốn cháu lập gia đình, sau này có nơi nương tựa. Nhưng cháu thiếu tự tin nên không dám quen ai. Năm rồi, người chị giới thiệu cho cháu một người lớn hơn cháu 3 tuổi, tính vui vẻ. Anh bị tai nạn giao thông mất một chân. Qua tiếp xúc, cháu thấy anh cởi mở, dễ gần. Anh là thợ làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu, chịu khó nên cũng đủ sống. Thật ra, cháu cũng mến anh nhưng vì khuyết tật nên luôn sợ bị bỏ rơi. Cháu không biết phải làm sao?
Nguyễn Thị Hà Vi (TX.Long Khánh)
Cháu Hà Vi thân mến!
Đúng là với các cô gái, ngoại hình không xinh đẹp là một thiệt thòi, huống chi cháu còn bị khuyết tật. Nhưng cô thấy xung quanh chúng ta có nhiều người không hề đẹp về ngoại hình, hay bị khuyết tật như cháu cũng không ít. Nhưng không phải ai cũng mặc cảm đến mất hết lòng tin vào bản thân.
Cháu có nhớ chuyện anh Nick Vujicic không có cả tay lẫn chân mà vẫn là người diễn thuyết rất giỏi không? Cô cho rằng anh ấy là một ví dụ tuyệt vời về lòng can đảm, dám vượt lên nghịch cảnh, sống tự lập, thậm chí còn thành đạt hơn cả người bình thường. Ngoài Nick, chúng ta còn thấy rất nhiều người Việt Nam bị khuyết tật vẫn là vận động viên thể thao tài năng, thợ giỏi hay là một nghệ sĩ tên tuổi. Mới đây, cô còn biết một nam họa sĩ bị khuyết cả hai tay, vẽ tranh bằng miệng. Họ thật sự là những người đáng cho chúng ta học tập. Cháu tuy bị bại liệt nhưng có việc làm, là thợ chính có thu nhập cao, không phải sống dựa vào người khác. Vậy, tại sao cháu phải tự ti, mặc cảm? Theo cô, cháu nên thay đổi suy nghĩ của bản thân, tự tin vào giá trị của mình, đừng quá bi quan dễ làm giảm nghị lực và niềm vui sống.
Gia đình cháu muốn con gái có nơi nương tựa là hợp lý hợp tình. Nhưng chuyện này phải do cháu và người kia quyết định. Nếu cháu không muốn chia sẻ cuộc sống với người khác thì dù có ai làm mai cũng không ích gì. Ví dụ, cháu không muốn đến với người ta thì cũng không ai bắt lỗi được. Tóm lại, cháu hãy sáng suốt quyết định hướng đi cho mình.
Chúc cháu thành công!
Tâm Đan