Vợ chồng cháu có bé trai đầu lòng 8 tuổi và bé gái út 3 tuổi. Bé trai khỏe mạnh, hoạt bát nhưng quá hiếu động, cả thèm chóng chán. Hồi còn nhỏ cháu luôn miệng đòi mua đồ chơi mới, thường là những thứ phù hợp với con trai, như: xe ô tô, robot, bộ xếp hình…
Thưa cô Tâm Đan!
Vợ chồng cháu có bé trai đầu lòng 8 tuổi và bé gái út 3 tuổi. Bé trai khỏe mạnh, hoạt bát nhưng quá hiếu động, cả thèm chóng chán. Hồi còn nhỏ cháu luôn miệng đòi mua đồ chơi mới, thường là những thứ phù hợp với con trai, như: xe ô tô, robot, bộ xếp hình… nhưng chỉ chơi vài hôm là bé chán, quăng vứt lung tung. Gia đình cháu thu nhập chỉ vừa đủ sống, mỗi lần muốn mua đồ chơi cho con phải tính toán dè sẻn, thấy con chỉ chơi đồ chơi được ít ngày đã bỏ thì xót ruột, ba cháu hay la mắng con. Năm nay bé trai vào lớp 3. Cháu tham khảo ý kiến bạn bè, người thì nói cha mẹ cần học cùng con để hướng dẫn, kèm cặp các bé; người lại bảo cứ để con tự chủ động làm bài, không nên chỉ cho trẻ vì chúng sẽ quen ỷ lại. Rốt cuộc cháu không biết nên nghe ai.
Như Loan (TP.Biên Hòa)
Như Loan thân mến!
Cô cho rằng trẻ em ham hoạt động, hiếu kỳ là chuyện bình thường. Ta chỉ cần trông chừng, đừng để các bé chơi quá nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, thời gian học tập. Về bé trai của cháu, cô xin góp vài ý nhỏ: Trẻ em thường hiếu kỳ, tò mò vì chúng đang ở lứa tuổi thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh. Đồ chơi dù có đẹp, hấp dẫn đến đâu thì trẻ cũng chỉ thích được một thời gian, khi hết mới lạ là chúng chán, lại muốn có món khác. Như thế, việc bé trai của cháu ham món mới cũng không có gì lạ. Cô nghĩ rằng cháu cần nhắc nhở con biết giữ gìn đồ chơi, xếp dọn ngăn nắp, không được quăng vứt lung tung. Trẻ con dù nhỏ cũng cần được dạy rằng đồ chơi mua bằng tiền công lao động vất vả của cha mẹ, không được làm mất mát, hư hỏng, để em út có thể sử dụng được. Nếu gia đình cháu không có điều kiện mua nhiều đồ chơi cho con thì chỉ nên mua những thứ giúp ích cho việc phát triển trí não, kỹ năng của trẻ.
Về chuyện có nên chỉ con học bài hay không, cháu nên tùy vào năng lực, cá tính của trẻ mà quyết định. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược riêng. Cùng với con học bài không phải bao giờ cũng tạo ra sự ỷ lại của trẻ. Bé chỉ ỷ lại khi ta không gợi mở cho trẻ suy nghĩ độc lập mà làm thay các cháu thôi.
Tâm Đan