Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải biết nói "không" với trẻ!

10:08, 12/08/2015

Tôi kết hôn trễ, 31 tuổi mới có bé gái đầu lòng. Năm nay bé 4 tuổi. Tôi là tài xế xe tải, thường vắng nhà dài ngày. Em bé ở nhà chủ yếu mình vợ tôi chăm sóc. 

Thưa cô Tâm Đan!

Tôi kết hôn trễ, 31 tuổi mới có bé gái đầu lòng. Năm nay bé 4 tuổi. Tôi là tài xế xe tải, thường vắng nhà dài ngày. Em bé ở nhà chủ yếu mình vợ tôi chăm sóc. Thu nhập của tôi chưa tới chục triệu đồng một tháng nhưng vợ chi tiêu không hợp lý , ham sắm đồ chơi, quần áo cho con. Bé được mẹ cưng nên bướng bỉnh, thích gì là đòi bằng được. Tôi sợ bé được cưng quá, lớn lên sẽ ăn chơi đua đòi. Nhiều lần tôi góp ý với vợ phải biết nói “không” với những đòi hỏi quá đáng của con. Tuy nhiên, vợ tôi bỏ ngoài tai. Bất đồng quan điểm trong cách dạy con khiến vợ chồng tôi nhiều lần xung đột. Vợ tôi cho rằng, đã phải một mình chăm con mà chồng còn hay trách móc. Gia đình ngoại cũng nghĩ là tôi gia trưởng, ỷ làm ra tiền nên ăn hiếp vợ. Đã có lúc tôi muốn nghỉ lái xe, làm gì đó ở gần gia đình để phụ vợ nuôi dạy con. Nhưng thời buổi công việc khó khăn, tôi chưa tìm được việc gì mới, phải bám nghề cũ và vẫn thường xuyên vắng nhà. Vì vậy, hiện giờ tôi không biết làm gì để gia đình đầm ấm, mong chị góp ý.

Thanh Nghĩa (TP.Biên Hòa)

 

Thân gửi Thanh Nghĩa!

Bạn là một người cha đầy tinh thần trách nhiệm. Thời nay, những bà mẹ cưng con “như trứng mỏng” không phải hiếm. Chúng ta thông cảm với họ, vì bà mẹ nào cũng thương con, cũng muốn dành cho “cục cưng” của mình những gì tốt đẹp nhất. Thế nhưng, điểm yếu của các bà mẹ là không biết rằng, nếu thương con không đúng cách có thể vô tình dẫn đến chỗ hại trẻ.

Lúc còn thơ ấu, trẻ không nhận thức được đúng, sai, những gì được làm và điều gì bị cấm nên cần được cha mẹ hướng dẫn. Nếu cha mẹ thỏa mãn tất cả yêu cầu của trẻ, sẽ tạo cho cháu bé ảo tưởng được quyền đòi hỏi bất cứ điều gì. Có nhiều trường hợp, chỉ cần bị trái ý là “ông trời con” này sẽ lăn ra ăn vạ, khóc lóc, thậm chí cư xử quá khích. Bởi vậy, tôi đồng ý với bạn là cần biết nói “không” với trẻ trong quá trình dạy dỗ.

Tất nhiên, bạn nên thông cảm với vợ một phần vì cô ấy phải chăm sóc bé khi không có sự trợ giúp của chồng. Có thể do nhận thức hạn chế nên vợ bạn chưa hiểu tác hại của việc tập cho con gái thói quen ăn diện sành điệu, sau này bé dễ chạy theo vật chất, coi nhẹ tình cảm. Là người đi nhiều, hiểu rộng bạn hãy kiên trì giúp vợ nhận ra vấn đề. Nhưng để cô ấy tiếp thu, bạn nên nhẹ nhàng, tôn trọng và ghi nhận công lao của vợ. Một giải pháp nữa là bạn tìm mua sách hướng dẫn nuôi dạy trẻ của các nhà xuất bản có uy tín cho vợ đọc, cô ấy sẽ học được nhiều điều bổ ích.

Chúc bạn thành công!

 Tâm Đan

 

 

 
Tin xem nhiều