Cháu 26 tuổi, quê huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Khi còn ở quê, cháu đã có bạn trai. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh xin việc làm không được nên theo bạn bè qua Lào làm ăn.
Thưa cô Tâm Đan!
Cháu 26 tuổi, quê huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An). Khi còn ở quê, cháu đã có bạn trai. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh xin việc làm không được nên theo bạn bè qua Lào làm ăn. Trước khi anh đi, chúng cháu đã quan hệ như vợ chồng. Bạn trai cháu đi Lào được vài năm thì tham gia vào vụ buôn lậu và bị băng nhóm côn đồ hại chết. Cháu buồn quá, vào Bình Dương làm công nhân. Rồi cháu quen anh T., quản đốc phân xưởng của công ty. Anh góa vợ, có một con trai riêng 4 tuổi, đang sống cùng cha mẹ. Thương anh “gà trống nuôi con” nên cháu đã nhận lời đến với anh T. Chúng cháu định qua năm 2016 sẽ làm lễ cưới. Hiện giờ nỗi lo của cháu là chưa biết sẽ làm dâu cho cha mẹ chồng, làm mẹ của cháu Bo, con trai anh T., như thế nào. Mẹ mất sớm, từ nhỏ cháu thiếu tình thương yêu và sự dạy dỗ của mẹ nên rất vụng về chuyện gia đình. Chị gái cháu nói, ở nhà chồng cứ đối xử với bé Bo như con ruột là được. Nhưng cháu vẫn lo, mong cô tư vấn giúp.
Lê Thị Bích Hà (tỉnh Bình Dương)
Thân gửi Bích Hà!
Cháu không được hưởng sự giáo dục đầy đủ của gia đình, thiếu trải nghiệm mà phải đảm đương vai trò làm dâu, làm mẹ một đứa trẻ không do mình sinh ra thì lo lắng là phải rồi. Rất may là cháu nhận thức được hoàn cảnh của mình. Trên tinh thần là người đi trước, cô chia sẻ với cháu vài điều:
Người Việt có câu rất hay “nhập gia tùy tục”. Nghĩa là chúng ta đến nhà ai thì phải chấp nhận và tìm cách hòa nhập vào nền nếp, gia phong của gia đình đó. Ngày xưa, con gái về nhà chồng thường qua mai mối, không trải qua yêu đương, tìm hiểu mà hầu hết vẫn sống được với gia đình chồng nhờ các cô gái có ý thức hòa nhập rất cao. Cháu sẽ phải để ý học cách ăn, ở, nói năng, ứng xử… với mọi người trong gia đình chồng. Muốn vào bếp nấu ăn cho cả nhà cũng phải tìm hiểu, học hỏi người trong nhà, để pha chế, nấu nướng sao cho hợp khẩu vị. Để làm tốt vấn đề này, ngoài việc tự học hỏi, ý thức giữ gìn lời ăn tiếng nói, cách cư xử thì cháu cần có sự hỗ trợ của chồng. Anh ấy sẽ là cầu nối giữa cháu với mọi thành viên trong nhà. Cô tin rằng nếu cháu cư xử lễ độ, biết kính trên nhường dưới, chân thành với tất cả mọi người trong nhà thì gia đình chồng sẽ yêu qúy con dâu thôi.
Về chuyện bé Bo, chị gái cháu nói đúng, hãy coi bé như con ruột của mình. Từ sự yêu thương chân thành của cháu đối với bé, sẽ là yếu tố cơ bản thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa hai người. Ngoài ra, cháu cũng cần học trong sách báo, bạn bè và những người xung quanh để có kỹ năng làm mẹ. Có một điều cháu nên lưu ý: Người mẹ ruột là duy nhất, không ai thay thế được. Người kế nhiệm chỉ nên giữ đúng vai trò, vị trí của mình, không tìm cách “soán chỗ” của người mẹ ruột. Cháu hãy chia sẻ với chồng về những khó khăn, bất đồng ý kiến về điều gì cũng cần hỏi ý kiến anh để cùng tháo gỡ. Đừng để trong bụng những ấm ức nếu có, vì sẽ tạo ra khoảng cách dẫn đến những chuyện không hay sau này.
Chúc cháu may mắn!
Tâm Đan