Cháu đã tốt nghiệp đại học và đi làm được 6 năm. Cơ quan cháu thuộc khối hành chính sự nghiệp nên thu nhập thấp, nhưng cháu yêu nghề nên vẫn gắn bó.
Thưa cô Tâm Đan!
Cháu đã tốt nghiệp đại học và đi làm được 6 năm. Cơ quan cháu thuộc khối hành chính sự nghiệp nên thu nhập thấp, nhưng cháu yêu nghề nên vẫn gắn bó. 2 năm nay, từ khi có lãnh đạo mới cháu có phần mất tự chủ trong công việc. Bởi ông “sếp” dù có năng lực nhưng tâm tính thất thường. Ở cơ quan ai cũng phải nhìn mặt ông ấy vui hay buồn để ứng xử cho thích hợp. Bản thân cháu có tính nóng nảy, thiếu kiên nhẫn nên nhiều lần đã phản ứng lại vị lãnh đạo này. Cách đây ít ngày, cháu và ông ta mâu thuẫn. Sau đó cháu nại cớ bệnh xin nghỉ việc 2 ngày. Ông ta đã chẳng hỏi han gì mà còn nói: “Nếu cậu không thích ở đây thì làm đơn xin nghỉ việc đi”. Cháu tự ái nên đã viết đơn, nhưng chưa gửi. Bạn bè, đồng nghiệp người thì bảo cháu đúng, người lại khuyên trước mắt cứ dung hòa rồi tìm cách cải thiện tình hình. Cháu hoang mang, không biết nên thế nào. Mong cô góp ý.
Nguyễn Đình V. (TP.Biên Hòa)
Cháu V. thân mến!
Cô công nhận, làm việc dưới quyền một người có tính khí thất thường thì đôi lúc khó chịu thật. Nhưng trong cuộc sống, chúng ta không thể “chọn” người làm “sếp” theo ý mình. Trường hợp của cháu, theo cô có 2 giải pháp: một là nghỉ việc chuyển đi nơi khác, hai là tìm cách dung hòa với vị lãnh đạo này.
Cô không rõ hiện nay công việc cụ thể của cháu là gì. Nhưng cháu thừa nhận yêu nghề nên vẫn gắn bó dù thu nhập thấp. Như vậy, cháu may mắn vì có việc làm phù hợp với sở thích của mình. Trong xã hội, không ít người học hành đàng hoàng nhưng phải làm công việc trái sở trường đấy. Vậy đâu nhất thiết cháu phải xin nghỉ việc hoặc chuyển đi đâu? Trong khi đó, cháu nói ông “sếp” có năng lực, chỉ mỗi nhược điểm là tính khí thất thường, ưa thay đổi. Cô nghĩ có lẽ do ông ta đã quen được đánh giá cao, lâu dần sinh ra khó chịu, lúc này lúc khác. Tuy nhiên, nếu cấp dưới mà có thái độ bất hợp tác, hoặc to tiếng với lãnh đạo thường chỉ làm xấu thêm tình hình. Cháu cần mềm dẻo hơn trong ứng xử với vị sếp ấy. Thực ra, “sếp” cũng là con người bình thường, tâm trạng lúc này lúc kia cũng là chuyện thường tình. Cô nghĩ, nếu lúc nào chúng ta cũng xăm xoi những hạn chế của người này hay người khác thì không công bằng, đúng không nào? Cháu hãy tập kiềm chế, đừng để sự việc vượt quá tầm kiểm soát của mình, sẽ không hay.
Chúc cháu thành công!
Tâm Đan