Tôi 32 tuổi, là công nhân may, chưa lập gia đình. Em tôi kết hôn sớm, đã có con trai 6 tuổi. Vợ chồng cậu ấy có việc làm ổn định, thu nhập khá nhưng vì ỷ lại nên hay nại đủ lý do để thoái thác trách nhiệm góp tiền chi tiêu hàng tháng.
Thưa chị Tâm Đan!
Tôi 32 tuổi, là công nhân may, chưa lập gia đình. Em tôi kết hôn sớm, đã có con trai 6 tuổi. Vợ chồng cậu ấy có việc làm ổn định, thu nhập khá nhưng vì ỷ lại nên hay nại đủ lý do để thoái thác trách nhiệm góp tiền chi tiêu hàng tháng. Cha mẹ tôi có 10 căn phòng cho thuê, thu nhập cũng đủ sống. Điều đáng nói là cô em dâu thuộc gia đình khả giả, quen tiêu xài, chưa cuối tháng đã hết tiền. Một lần nhân nhà có đám giỗ, tôi góp ý nên liệu cơm gắp mắm, đừng xài hoang, nào ngờ cô ta tự ái, mang con về nhà mẹ ruột. Gia đình phải gọi điện thoại nói khó với ông bà sui, em tôi cũng phải qua năn nỉ thì em dâu mới đem con về. Từ đó đến nay, giữa tôi và em dâu bằng mặt mà không bằng lòng. Tôi không biết phải làm sao để gia đình được hòa thuận vui vẻ?
Lê Hằng Nga (huyện Định Quán)
Hằng Nga thân mến!
Tôi có cảm giác sự bất bình của bạn với cô em dâu xuất phát từ chỗ vợ chồng cậu em đóng góp cho gia đình không như mong đợi. Thêm vào đó, bạn tự ái vì chuyện góp ý của mình bị đụng chạm. Nhưng ở đời ai chẳng có lúc sơ suất trong lời ăn tiếng nói, vì vậy bạn nên bỏ qua cho cô em dâu. Về nghĩa vụ với cha mẹ, bạn cần công khai trao đổi, thỏa thuận với vợ chồng cậu em về trách nhiệm đóng góp hàng tháng. Ngoài ra, bạn khéo léo góp ý cho em dâu cách thức tiêu dùng sao cho hợp lý, nhưng phải tránh làm cô ấy tự ái.
Thực tế, cuộc sống gia đình nào cũng có lúc va chạm, mâu thuẫn do thói quen, tính cách mỗi người khác nhau. Xét cho cùng, mẹ con, anh em, vợ chồng bất đồng ý kiến là chuyện bình thường, nhưng đã không hợp ý thì phải có cách trao đổi cụ thể để tìm tiếng nói chung. Tôi thấy Nga quan tâm tới người thân là tốt nhưng phải có mức độ và hợp lý, đừng can thiệp sâu vào chuyện riêng tư của em trai quá nhiều, kẻo “lợi bất cập hại”.
Chúc bạn vui!
Tâm Đan