Cô Tâm Đan kính mến!
Vợ chồng con đang sống chung với cha mẹ ruột. Chúng con có hai bé đang học tiểu học. Trước nay ông bà nội con sống ở quê, nhưng cha con là trai đầu nên muốn đón ông bà nội vào phụng dưỡng. Vợ con nhân chuyện này muốn xin ra ở riêng.
Cô Tâm Đan kính mến!
Vợ chồng con đang sống chung với cha mẹ ruột. Chúng con có hai bé đang học tiểu học. Trước nay ông bà nội con sống ở quê, nhưng cha con là trai đầu nên muốn đón ông bà nội vào phụng dưỡng. Vợ con nhân chuyện này muốn xin ra ở riêng. Con thấy thật khó. Cha mẹ con đã nghỉ hưu, sức khỏe không được tốt, em gái lại lấy chồng xa nên con phải ở gần để đỡ đần. Cha con cũng muốn vợ chồng con sống chung với ông bà nội, có hai đứa cháu cho vui. Cha vẫn nói, người già ăn uống chẳng tốn kém bao nhiêu. Hơn nữa, ăn chung tiết kiệm hơn là chia ra nhiều bếp.
Nhưng dù cha nói vậy, vợ con vẫn không vui. Cô ấy buôn bán giỏi, là người nắm kinh tế trong gia đình. Tuy không hẳn là trốn tránh trách nhiệm, nhưng xưa nay vợ con vẫn thích ở riêng cho tự do. Bây giờ có thêm ông bà nội cao tuổi, cổ sợ ông bà kỹ tính, khó chiều. Vợ con sẵn sàng thuê người giúp việc chăm sóc ông bà nội và cha mẹ, miễn chúng con được ra riêng. Nhưng con vẫn thấy không ổn. Con chưa dám hé môi với cha mẹ về chuyện này. Con muốn hỏi cô, phải tính thế nào đây?
(Đức Khánh, TP.Biên Hòa)
Đức Khánh thân mến!
Cô hiểu tâm trạng bối rối khó xử của con. Gia đình nào sống chung nhiều thế hệ cũng hay gặp rắc rối vì tâm lý lứa tuổi khác biệt. Người cao tuổi tính khí “sớm nắng chiều mưa”, lớp trung niên chưa đến mức trái tính, trái nết nhưng cũng không còn hợp với tuổi trẻ. Các đôi vợ chồng trẻ thì thích cuộc sống tự do, muốn nuôi dạy con, sinh hoạt theo ý mình. Với những sở thích trái chiều như thế thì gia đình rất dễ trở nên ngột ngạt, bức bối. Nếu mỗi người phải nín nhịn để chiều lòng người khác thì đến lúc nào đó “quá mù ra mưa”, sẽ nảy sinh bất mãn, xung đột.
Cô nghĩ rằng con nên trao đổi trước với cha mẹ, để ông bà hiểu và có cách giúp đỡ, hỗ trợ nàng dâu. Nếu ông bà nội con vào sống chung, trong nhà sẽ toàn là người thuộc diện “ưu tiên”: ông bà, cha mẹ đã cao tuổi, hai đứa con còn bé. Tất cả đều trông vào sự đảm đang gánh vác của vợ chồng con, mà chủ yếu là vợ con. Vì vậy, nếu con không kịp thời giải tỏa tâm lý cho vợ thì có thể việc ông bà nội con vào sẽ trở thành nỗi ám ảnh nặng nề của cô ấy. Vợ con rất cần được gia đình chồng và chồng hỗ trợ việc nhà, chăm sóc hai con nhỏ. Về phía cô ấy cũng cần biết phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là bổn phận và cũng là truyền thống tốt đẹp của các gia đình Việt Nam. Làm tròn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ tức là các con đã giáo dục cho con mình bài học quý giá nhất.
Cô tin rằng ông bà nội con trải nghiệm nhiều, sẽ điều hòa tốt các mối quan hệ. Thậm chí các cụ đóng vai trò chính trong việc giữ gìn trật tự, kỷ cương, nề nếp. Ông bà lại rảnh rang, thích gần gũi, chơi với trẻ con, sẽ truyền cho cháu, chắt những nét tốt đẹp trong truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam. Như vậy, việc sống chung cũng có nhiều mặt tích cực, đúng không?
Chúc gia đình con hạnh phúc.
Tâm Đan