Thưa cô Tâm Đan!
Vợ chồng em trai em thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng, nhưng chẳng giúp cha mẹ được đồng nào. Em dâu là con nhà khá giả, quen tiêu xài hoang phí nên quá trình ở chung cứ than số cực, lấy phải chồng nghèo.
Thưa cô Tâm Đan!
Vợ chồng em trai em thu nhập mỗi tháng cả chục triệu đồng, nhưng chẳng giúp cha mẹ được đồng nào. Em dâu là con nhà khá giả, quen tiêu xài hoang phí nên quá trình ở chung cứ than số cực, lấy phải chồng nghèo. Em từng khuyên nhủ, đã cưới nhau thì giàu nghèo gì cũng phải chấp nhận, đừng kêu ca phàn nàn. Mới rồi vợ chồng cãi nhau, chẳng biết cô vợ cự cãi thế nào mà bị chồng tát tai, thế là cô ta ôm con về nhà ngoại. Gia đình em phải sang tạ lỗi, xin đưa con dâu và cháu về. Cháu trai em mới học lớp 1 nhưng mẹ nó cứ ép con phải đi học thêm. Em bảo thằng bé mới học lớp 1, cần gì phải học thêm cho tốn tiền. Nhưng cô em dâu vẫn bắt thằng nhỏ học thêm để rèn chữ đẹp và làm toán giỏi. Em là chị Hai, thấy chuyện nhà em trai cứ lủng củng thì không đành ngó lơ. Nhưng em không biết phải làm sao, xin được tham khảo ý kiến chị .
Trần Thị Cẩm Thúy
Cẩm Thúy thân mến!
Quan tâm tới người thân của mình là tốt, nhưng phải có mức độ và hợp lý, nếu không, sẽ thành “lợi bất cập hại” em ạ. Vợ chồng trẻ nào cũng có lúc va chạm do thói quen, tính cách khác nhau. Là thân nhân, ai cũng sốt ruột, muốn “xắn tay áo” can thiệp để giúp họ. Nhưng vì thiếu khách quan hoặc thiếu kỹ năng, lời góp ý của gia đình thay vì giải tỏa mâu thuẫn thì lại làm cho mọi chuyện rối tung lên.
Sự bất bình của em với cô em dâu, có lẽ xuất phát từ chỗ vợ chồng cô không đóng góp cho gia đình. Nhưng thực tế, về nghĩa vụ với cha mẹ, các em nên công khai trao đổi, thỏa thuận mức đóng góp, như thế sẽ tránh được sự suy bì, tỵ nạnh. Ngoài ra, nên khéo léo góp ý cho em dâu cách thức quản lý, tiêu dùng sao cho hợp lý, tránh lãng phí. Khi em trai em đánh vợ, dù là một cái tát cũng không nên. Mọi sự xúc phạm bằng lời nói, hành động… đều để lại vết thương trong tâm hồn người bạn đời, rất khó chữa lành. Hơn nữa, đánh vợ là vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nên nhắc cậu em cần chấm dứt ngay chuyện đó.
Về việc học thêm của bé trai, tâm lý các bậc cha mẹ đều sợ con không theo kịp bạn bè. Ngoài ra, phụ huynh luôn muốn làm đẹp lòng giáo viên của con, để giáo viên chăm lo hoặc “bỏ qua” lỗi của con mình. Từ đó, theo chị không nên khắt khe mà nên coi đó là việc bổ sung kiến thức cần thiết cho con em, song không nhất thiết phải cho bé học thêm. Nếu nhồi nhét quá làm cháu mệt mỏi, sinh ra sợ đi học sẽ không tốt. Em cứ phân tích cho vợ chồng em trai, chị tin họ sẽ hiểu.
Chúc em vui.
Tâm Đan