Thưa cô Tâm Đan!
Vợ chồng cháu cùng quê Bắc Ninh, kết hôn năm 2001. Chúng cháu chuyển vào Đồng Nai năm 2004. Khi cháu có bé gái, gia đình rất hòa thuận, hạnh phúc.
Thưa cô Tâm Đan!
Vợ chồng cháu cùng quê Bắc Ninh, kết hôn năm 2001. Chúng cháu chuyển vào Đồng Nai năm 2004. Khi cháu có bé gái, gia đình rất hòa thuận, hạnh phúc. Năm 2007, cháu sinh thêm một bé gái, bị tai biến nên phải cắt bỏ tử cung. Gia đình chồng cháu ở ngoài quê từ đó cứ nói ra nói vào, bảo làm vợ mà không tròn nghĩa vụ sinh con trai, nối dõi tông đường cho nhà chồng. Dần dà, chồng cháu sinh ra buồn bực, hay uống rượu. Rồi anh đi sớm về trễ, kiếm cớ gây gổ với vợ con. Có lần say xỉn, anh nói cháu là kẻ ăn bám chồng, chẳng được tích sự gì. Trước đây, cháu là giáo viên mẫu giáo, từ khi vào Đồng Nai thì chưa xin được việc làm. Gần đây, anh đòi ly hôn với lý do không hợp tính nết. Sau đó, ba mẹ con cháu về sống nhờ ông bà ngoại. Bây giờ cháu đã có công ăn việc làm, cháu muốn chia tay vì kéo dài cuộc sống vợ chồng chỉ thêm mệt mỏi. Nhưng chúng cháu chưa làm hôn thú nên giờ không biết phải làm thế nào?
Nguyễn Thị Thanh
Thân gửi cháu Thanh!
Cháu thấy đấy, không hành xử theo pháp luật là ta đã tự làm khó cho mình. Lẽ ra, trước khi làm đám cưới, hai người phải ra UBND phường - xã nơi cư trú để làm giấy đăng ký kết hôn. Việc này chẳng những là thủ tục pháp lý mà còn mang ý nghĩa thiêng liêng đối với đôi bạn trẻ. Đăng ký kết hôn xong là giữa hai người đã có mối dây ràng buộc, quyền lợi và nghĩa vụ đã được xác lập. Khế ước hôn nhân cũng là căn cứ để tòa giải quyết tranh chấp trong trường hợp quan hệ vợ chồng đổ vỡ, như: ai nuôi con, phân chia tài sản, thừa kế…
Như vậy, cho dù đám cưới có rình rang mà không có giấy đăng ký kết hôn cũng coi như chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng. Khái niệm “hôn nhân thực tế” không còn tồn tại trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành. Mà nếu đã không công nhận là vợ chồng thì tòa án cũng không thể xử ly hôn. Bây giờ nếu cháu muốn giải quyết dứt điểm mối quan hệ với người đang chung sống như vợ chồng thì tòa án chỉ giải quyết chuyện phân chia tài sản, quyền nuôi con trong trường hợp có yêu cầu. Theo cô, cháu đừng vội vàng, hãy thử thuyết phục cha của hai bé gái một lần nữa xem sao? Đã có hai con gái ngoan ngoãn, sao còn chạy theo quan điểm lỗi thời để làm tan nát hạnh phúc gia đình? Khi thật sự thấy cuộc sống chung không thể cứu vãn thì mới nên nghĩ đến giải pháp chia tay. Nhưng cháu phải rút kinh nghiệm từ sự rắc rối hôm nay để đừng lặp lại sai lầm nữa. Lấy ai, kể cả sống với “người cũ” cũng cần làm thủ tục đăng ký kết hôn cho đúng pháp luật, khỏi rắc rối sau này. Lo xa không bao giờ là thừa, đúng không?
Chúc cháu may mắn!
Tâm Đan