Kính gửi cô Tâm Đan!
Cháu có chồng và hai con trai. Chồng cháu lúc trước làm ở xưởng cơ khí, nay cơ quan giải thể, anh thất nghiệp. Trước đây, cháu kết hôn không phải vì yêu mà vì cảm mến tính anh hiền lành và hay giúp đỡ mọi người.
Kính gửi cô Tâm Đan!
Cháu có chồng và hai con trai. Chồng cháu lúc trước làm ở xưởng cơ khí, nay cơ quan giải thể, anh thất nghiệp. Trước đây, cháu kết hôn không phải vì yêu mà vì cảm mến tính anh hiền lành và hay giúp đỡ mọi người. Nhưng từ ngày thất nghiệp, anh sa sút tinh thần, sinh ra la cà rong chơi, cá độ, đánh bài, nhậu nhẹt nên mọi chuyện trong gia đình khoán hết cho vợ. Hôm nào vui lắm anh mới giúp cháu đưa đón con đi học. Cháu làm kế toán, thu nhập khá nhưng rất vất vả. Có thời gian, công ty liên tục tăng ca, phải 8-9 giờ tối cháu mới về. Vì phải ăn cơm muộn nên việc học và giờ ngủ của các con cũng bị ảnh hưởng. Nhiều lần cháu yêu cầu chồng giúp đi chợ, nấu cơm để các con được ăn sớm, nhưng anh cứ thoái thác, bảo không biết làm. Cháu buồn bực, dẫn đến chỗ hai vợ chồng lớn tiếng. Nhiều lúc cháu muốn ly hôn, nhưng các con còn quá nhỏ nên đành chấp nhận hoàn cảnh. Mong cô cho cháu lời khuyên.
Chu Thị Thanh Xuân (tỉnh Bình Dương)
Cháu Thanh Xuân thân mến!
Cô thấy đàn ông thời nay, những người như chồng cháu không phải là “của hiếm”. Nhiều “đấng tu mi” lên rừng xuống biển được nhưng lại không có khả năng tự phục vụ mình. Họ cũng chưa từng được giáo dục phải giúp vợ làm việc nhà. Thậm chí, có ông hễ vợ đi vắng là chỉ biết “cơm bụi trường kỳ”.
Trước tình cảnh ấy, cô trao đổi với cháu thế này: Chồng cháu hồi trước cũng siêng năng, chịu khó. Nhưng từ khi thất nghiệp anh ỷ vào vợ, không năng động, tìm cách vượt lên hoàn cảnh. Bây giờ muốn khôi phục lại nếp cũ, cháu phải động viên chồng tìm việc làm. Trường hợp anh ấy lớn tuổi, không làm công nhân được thì có thể xin một chân bảo vệ ở đâu đó, đừng suốt ngày “cắm” quán, lãng phí lắm. Nhà cháu có vườn thì nên gợi ý anh ấy thử trồng cây kiểng, hoa xem sao. Mặt khác, nếu chưa tìm được việc làm phù hợp, cháu phải giúp chồng tập tành làm việc nhà, chăm sóc con cái. Bởi đấy là trách nhiệm không phải dành riêng cho phụ nữ. Theo cô, thời gian vừa qua, chồng cháu không siêng việc nội trợ, có thể anh ta sĩ diện, không muốn mọi người nghĩ rằng do mất việc nên bị…mất giá, phải làm “ô sin” cho vợ. Bởi vậy, cháu phải khéo léo, đừng chạm vào mặc cảm “ăn bám vợ” của anh ấy. Cháu hãy để ý xem chồng không muốn giúp vợ, có phải vì chuyện vào bếp không phải là việc của đàn ông; hay chỉ đơn giản là anh thiếu kỹ năng? Ở Việt Nam, không phải ai cũng sẵn sàng giúp vợ việc nhà, làm nội trợ. Muốn chồng giúp mình, chúng ta phải tạo cơ hội cho họ làm quen với bếp núc, chợ búa. Ngay cả với phụ nữ, đâu phải ai cũng thạo nấu ăn, nói gì đến đàn ông. Mỗi lần đi siêu thị, đi chợ, cháu nên rủ chồng cùng đi, hướng dẫn anh ấy về giá cả, cách chọn thực phẩm, cách chế biến… Khối ông chồng nhờ được vợ tư vấn đã giỏi giang, trở thành “đầu bếp” khá nên phụ được các bà vợ rất nhiều. Cô mong chồng cháu cũng như vậy.
Chúc cháu thành công.
Tâm Đan