Cô Tâm Đan kính mến!
Cháu đã lập gia đình, có hai cháu nhỏ, đang sống chung với ba má ruột. Trước nay ông bà nội cháu sống ở quê, nhưng bây giờ ông bà muốn vào sống cùng với gia đình cháu. Nhà chật, ba cháu thuê thợ nới rộng thêm một gian cho ông bà nội. Vợ cháu nhân đó, muốn xin ra ở riêng.
Cô Tâm Đan kính mến!
Cháu đã lập gia đình, có hai cháu nhỏ, đang sống chung với ba má ruột. Trước nay ông bà nội cháu sống ở quê, nhưng bây giờ ông bà muốn vào sống cùng với gia đình cháu. Nhà chật, ba cháu thuê thợ nới rộng thêm một gian cho ông bà nội. Vợ cháu nhân đó, muốn xin ra ở riêng. Nhưng ý cháu thì không muốn. Ba má cháu đã gần 60, sức khỏe không được tốt, cháu muốn ở gần để đỡ đần ba má. Ba cháu cũng muốn vợ chồng cháu sống chung với ông bà nội, có hai đứa cháu cho vui. Từ hôm đó, vợ cháu buồn và thất vọng. Cô ấy buôn bán giỏi, kiếm được tiền, không hẳn là trốn tránh trách nhiệm nhưng thích ra riêng cho tự do. Vợ cháu nói, sẵn sàng đóng góp tiền để ba má chăm sóc ông bà nội. Nhưng cháu chưa đồng ý. Mong cô giúp cháu, phải thuyết phục vợ như thế nào để vợ cháu bỏ ý định ra riêng?
Nguyễn Tiến Hưng ( Tân Bình)
Tiến Hưng thân mến!
Cô tin rằng trong thâm tâm, vợ cháu rất lo gánh nặng gia đình. Nếu ông bà nội cháu vào sống chung, trong nhà lúc ấy sẽ có nhiều người thuộc diện “ưu tiên”: ông bà, bố mẹ đã cao tuổi, hai đứa cháu còn thơ bé. Tất cả đều trông vào sự gánh vác chính của vợ chồng cháu, trong đó chủ yếu là vợ cháu. Vì vậy, nếu cháu không kịp thời giải tỏa tâm lý cho vợ thì có thể việc ông bà nội cháu vào sẽ trở thành nỗi ám ảnh gánh nặng việc nhà của người vợ trẻ.
Theo cô, sống chung nhiều thế hệ hay gặp khó khăn vì tâm lý lứa tuổi khác biệt, ông bà già rồi thì thích yên tĩnh… khó chiều, con cái cũng có những điểm làm mình phật ý. Các cháu thì còn trẻ, thích cuộc sống tự do, muốn nuôi dạy cháu, sinh hoạt. . . theo ý mình. Với những sở thích trái chiều như thế thì gia đình rất dễ bị ngột ngạt, bức bối thì đến lúc nào đó sẽ cảm thấy bất mãn, gia đình sẽ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột. Tuy nhiên, các cháu đừng quên, gia đình nhiều thế hệ cũng có những ưu điểm: ông bà trải nghiệm nhiều, kiến thức phong phú nên sẽ “cầm chịch”, điều hòa các mối quan hệ. Thực tế nhiều người cao tuổi đóng vai trò chính trong việc giữ gìn kỷ cương, nề nếp của gia đình. Các cụ lại rảnh rang, thích gần gũi, chơi với các cháu nhỏ, nhờ đó mà truyền thụ cho cháu, chắt những nét tốt đẹp trong truyền thống văn hóa gia đình.
Cô nghĩ rằng cháu nên trao đổi trước với ba má, để hai ông bà hiểu và có cách giúp đỡ, hỗ trợ nàng dâu. Vợ cháu bận rộn, rất cần được ba má chồng và chồng hỗ trợ việc nhà, chăm sóc hai cháu nhỏ. Về phần vợ cháu, cô ấy cần hiểu rằng phụng dưỡng ông bà, cha mẹ là bổn phận và cũng là truyền thống tốt đẹp của các gia đình Việt Nam và tiền không phải là tất cả. Điều người già cần hơn là sự nể trọng, chăm sóc chu đáo của con cháu. Vợ chồng cháu làm tròn chữ hiếu với ông bà cha mẹ tức là đã giáo dục cho con mình bài học quý giá.
Chúc cháu thành công.
Tâm Đan