Thưa cô Tâm Đan
Cháu là sinh viên kinh tế năm 3. Còn hơn 1 năm nữa cháu tốt nghiệp đại học. Các bạn cháu hay bàn về tương lai. Người thì bảo hay nhất là học tiếp cao học, tiến sĩ rồi ra tìm việc làm một thể. Người lại nói nên ra trường, tìm việc làm, ổn định đâu đó rồi vài năm sau xin cơ quan cho đi học cao học.
Thưa cô Tâm Đan
Cháu là sinh viên kinh tế năm 3. Còn hơn 1 năm nữa cháu tốt nghiệp đại học. Các bạn cháu hay bàn về tương lai. Người thì bảo hay nhất là học tiếp cao học, tiến sĩ rồi ra tìm việc làm một thể. Người lại nói nên ra trường, tìm việc làm, ổn định đâu đó rồi vài năm sau xin cơ quan cho đi học cao học. Cháu thì cứ băn khoăn, không biết nên thế nào. Ba cháu muốn cháu học tiếp, gia đình đủ sức lo cho cháu. Học tiếp sẽ thuận lợi vì đang còn trẻ, chưa vướng bận chuyện gia đình. Má cháu thì lại muốn cháu ra trường, có công ăn việc làm và lấy chồng, còn chuyện học tiếp sau đại học hay không, tùy tình hình. Má lo xa, sợ con gái học cao sau này khó lập gia đình… Cháu muốn tham khảo ý kiến của cô. Mong cô cho cháu lời khuyên.
Hoàng Việt Hằng
Thân gửi cháu Hằng
Cháu đang băn khoăn vì trước mắt có mấy khả năng, không biết nên theo hướng nào. Theo cô thì phương án nào cũng có ưu và nhược, không có phương án tối ưu.
Ba cháu nói đúng, học tiếp cao học sẽ thuận lợi ở chỗ cháu đang trẻ, chưa vướng bận chuyện gia đình, chỉ tập trung tất cả cho việc học. Rất nhiều người học “một lèo”, lấy được bằng tiến sĩ rồi mới tính chuyện đi làm. Họ tin rằng đi xin việc mà trưng ra tấm bằng tiến sĩ thì cơ quan nào cũng xiêu lòng, mình dễ dàng đạt nguyện vọng. Nhưng nghĩ như thế là chủ quan. Điểm bất lợi là thiếu kiến thức thực tế. Vốn thực tế rất quý, vì nó bổ sung cho lý thuyết khô khan ở trường đại học. Các “tiến sĩ” nhiều năm vùi đầu vào sách vở thường rất “lơ ngơ”, thiếu hẳn kỹ năng sống và kinh nghiệm thực tiễn. Khi bắt tay xử lý công việc họ sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với một người đã có trải nghiệm và có bản lĩnh. Chính vì vậy mà những cơ quan cấp học bổng thường yêu cầu người dự tuyển cao học phải có ít nhất 2 năm làm việc sau khi tốt nghiệp đại học.
Má cháu lo xa, muốn con gái tốt nghiệp đại học, có việc làm và lập gia đình cho “chắc ăn”, còn chuyện học tiếp hay không thì tùy tình hình. Đây là quan điểm của nhiều bà mẹ, xuất phát từ chỗ các bà thấy nhiều cô gái đỗ đạt cao, có chỗ làm “ngon”, thu nhập khá nhưng lại khó khăn trong việc lập gia đình.
Như vậy, ba má cháu mỗi người có chủ kiến riêng. Người nào cũng có lý. Nhưng theo cô, cháu mới là người quyết định. Xem ra cháu có vẻ là một cô gái hay do dự, thiếu quyết đoán. Cháu nên cân nhắc kỹ và quyết định theo hướng mà bản thân thấy phù hợp. Ai đó đã nói rằng, xã hội ngày nay không coi trọng người “biết gì ” bằng người “làm được gì”. Cô thấy ý kiến ấy rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Chúc cháu tìm được hướng đi đúng cho mình.
Tâm Đan