Thưa chị Tâm Đan! Em lập gia đình được 12 năm, có con gái 11 tuổi. Do chồng em tự ái nhà nghèo nên cưới xong, hai vợ chồng ra ở nhà trọ. Khi con em lên 4, chồng em xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Anh tích lũy được một số tiền đủ để mở một cơ sở kinh doanh nhỏ. Có cơ sở kinh doanh riêng, chồng em lao vào làm ăn. Kinh tế gia đình khá lên nhưng anh lại sinh tật: ăn nói thô lỗ, nhậu nhẹt, ngoại tình...
Thưa chị Tâm Đan!
Em lập gia đình được 12 năm, có con gái 11 tuổi. Do chồng em tự ái nhà nghèo nên cưới xong, hai vợ chồng ra ở nhà trọ. Khi con em lên 4, chồng em xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Anh tích lũy được một số tiền đủ để mở một cơ sở kinh doanh nhỏ. Có cơ sở kinh doanh riêng, chồng em lao vào làm ăn. Kinh tế gia đình khá lên nhưng anh lại sinh tật: ăn nói thô lỗ, nhậu nhẹt, ngoại tình... Em đã cố gắng hết mức để giữ gìn hạnh phúc gia đình nhưng chồng em như bị tuột dốc, không còn nhận ra đâu là giới hạn. Anh liên tục xúc phạm vợ và gia đình vợ khiến em bị tổn thương. Em nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng còn lo ngại: con gái sẽ ra sao khi cha mẹ chia tay. Thời gian qua, em đã che dấu sự thật trong quan hệ vợ chồng vì muốn giữ cho con khỏi bị tổn thương. Bây giờ em không biết phải làm thế nào? Mong chị giúp em.
Lại Thị Thu Huyền
Thân gửi Thu Huyền
Chuyện giàu sanh tật xưa nay không hiếm. Em hãy cân nhắc thật kỹ xem còn cứu vãn được cuộc sống gia đình hay không? Nếu không thể cứu vãn và phải ly hôn thì nên chia tay theo cách nào đó đỡ tổn thương cho con gái nhất.
Cha mẹ thường hay dấu những cuộc cãi vã, chỉ trích nhau trước mặt các con. Điều này có mặt tích cực. Nhưng theo chị, nếu chia tay nhau là không thể tránh khỏi thì vợ chồng em nên có bước chuẩn bị tâm lý cho con, để bé khỏi bị “sốc”, cụ thể là:
1. Cần trấn an con gái để bé hiểu rằng cuộc chia tay của ba mẹ không do lỗi của bé và không làm thay đổi tình yêu của ba mẹ đối với bé. Nếu con gái em tỏ ra sợ hãi, hoảng hốt trước viễn cảnh gia đình tan vỡ, không biết nó sẽ sống với ai thì em phải động viên bé, khẳng định ba mẹ không bao giờ bỏ rơi con.
2. Việc chia tay của cha mẹ thường ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của trẻ, ví dụ như giờ giấc học tập, sinh hoạt, sở thích vui chơi, giải trí, bổ sung kiến thức... Nếu con gái em có bất kỳ hoạt động nào như chơi thể thao, học vẽ, học nhạc... thì em phải cố gắng giúp con duy trì những hoạt động này như bình thường.
3. Nhiều trẻ có cha mẹ ly dị không dám gặp bạn bè vì chúng mặc cảm, sợ bị bạn giễu cợt, coi thường. Nếu con gái em mắc cỡ vì ba mẹ chia tay thì em cần giải thích cho bé hiểu rằng ly dị không phải là một thất bại hay là tội lỗi của cha mẹ.
4. Nếu con gái khóc lóc, hờn giận vì ba mẹ không sống chung thì em nên bày tỏ sự đồng cảm với bé. Em cũng không nên tỏ ra đau buồn, hoảng sợ vì sẽ truyền sang con gái tâm trạng hoảng hốt, bất an.
Tóm lại, phản ứng của trẻ em khi cha mẹ ly hôn thường chịu ảnh hưởng chủ yếu từ những phản ứng của cha mẹ. Vì thế, em và chồng không cần phải che dấu cảm xúc của mình, chỉ cần tránh chỉ trích, nói xấu lẫn nhau. Như vậy, con gái em sẽ giữ được sự ổn định tâm lý trước biến cố không may của gia đình.
Chúc em thành công.
Tâm Đan