Thưa cô Tâm Đan,
Vợ chồng cháu chỉ có một bé gái lên 8, học lớp ba. Bé thông minh và ngoan ngoãn. Vợ cháu muốn cho con gái đi học thêm nhưng cháu thì cho là không cần thiết.
Thưa cô Tâm Đan,
Vợ chồng cháu chỉ có một bé gái lên 8, học lớp ba. Bé thông minh và ngoan ngoãn. Vợ cháu muốn cho con gái đi học thêm nhưng cháu thì cho là không cần thiết. Thời gian rảnh, cháu muốn con gái được tự do chơi đùa, hoặc nếu có học thêm thì học đàn organ, hội họa, thể dục thể thao, nhưng vợ cháu lúc nào cũng sợ con thua kém bạn bè. Hôm nào thấy con người ta điểm cao, con mình điểm thấp là cô ấy như ngồi trên lửa. Cuối cùng cháu đành chấp nhận cho vợ đi mời gia sư. Từ hôm có cô giáo dạy kèm, con gái cháu luôn được điểm 9, 10. Hai vợ chồng đều mừng. Nhưng về sau cháu phát hiện ra chỉ những bài cô cho làm ở nhà, con gái cháu mới đạt điểm tốt, còn bài ở lớp thì bé lại bị điểm kém. Cháu kiểm tra bài của con, thấy nó rất thụ động, không có người gợi mở là không làm được. Vợ cháu cho rằng tại gia sư kém, không biết cách hướng dẫn.
Cô ấy thay liền hai gia sư. Nhưng con gái cháu vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Cháu muốn tham khảo ý kiến cô phải làm sao?
Nguyễn Duy Quang (Khu phố 5 LB- BH)
Thân gửi Duy Quang,
Hai vợ chồng có một cô con gái thì hẳn nhiên là các cháu gửi gắm tất cả tình yêu thương, niềm hy vọng vào cô bé rồi. Xét cho cùng, quan tâm tới việc học hành của con, muốn nó giỏi giang, không thua kém bạn bè cũng là mơ ước chính đáng của người làm cha mẹ. Nhưng theo cô, chúng ta cần tránh mấy điều sau đây:
- Không nên quá nôn nóng, bắt con nhồi nhét thật nhiều kiến thức để nhanh chóng vượt lên trên bạn bè. Một số bậc phụ huynh ngày nào thấy con không được điểm 9,10 là không hài lòng, có khi chì chiết, mắng mỏ con. Làm như vậy rất không nên vì sẽ làm các bé hoảng sợ, mất niềm tin vào bản thân, học càng kém hơn.
- Không nên “ khoán trắng “ việc kèm cặp con học hành cho gia sư. Thực tế, nếu gia sư khéo gợi mở, động viên, khuyến khích các bé độc lập suy nghĩ, tìm cách giải bài thì rất tốt. Nhưng một số người muốn học trò đạt điểm cao nên hay chỉ dẫn hoặc làm giùm các bé cho nhanh. Dần dà, trẻ sẽ nảy sinh thói quen ỷ lại, trông chờ vào người khác. Cô nghĩ rằng con gái của hai cháu đang có nguy cơ trở nên thụ động.
Để tránh tình trạng con gái lệ thuộc vào gia sư, các cháu cần tập cho con tính độc lập suy nghĩ, tự mình học tập. Các cháu có thể mua thêm băng đĩa, tài liệu học tập có nhiều hình ảnh để tạo hứng thú cho con. Nếu bé thích học thì không cần gia sư, bé vẫn học giỏi.
Tóm lại là cha mẹ nên theo sát việc học hành của con, từ đó có cách khuyến khích, động viên đồng thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc học tập của trẻ. Không nên tạo cho trẻ thói quen trông chờ vào người khác vì dễ dẫn đến việc trẻ chủ quan lơ là, bị mất căn bản, sinh ra chán học và học kém.
Chúc các cháu may mắn.
Tâm Đan