Hiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân nhằm sửa đổi, bổ sung những vấn đề hạn chế, chưa được quy định rõ ràng.
Hiện dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và người dân nhằm sửa đổi, bổ sung những vấn đề hạn chế, chưa được quy định rõ ràng. Mục tiêu là để khi Luật Nhà ở được thông qua, áp dụng vào đời sống sẽ phù hợp với thực tế. Trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, vấn đề đang được nhiều người dân quan tâm và mong muốn là sẽ ngăn chặn được tình trạng người giàu tranh suất mua nhà ở xã hội (NƠXH) hoặc có “người giàu” làm chủ sở hữu căn hộ NƠXH. Và nhiều ý kiến đề xuất phải có giải pháp để NƠXH đến đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH.
Dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng tại TP.Biên Hòa |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người giàu tranh suất mua NƠXH hoặc có người giàu làm chủ sở hữu căn hộ NƠXH là do các tiêu chí về điều kiện hưởng chính sách về NƠXH chưa chặt chẽ, không sát với thực tế. Do đó, thời gian qua vẫn có những trường hợp nhà giàu “lách” luật để mua NƠXH.
Trong Điểm a, Khoản 1, Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 và Điểm a, Khoản 1, Điều 75 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đều quy định đối tượng hưởng chính sách NƠXH phải chưa được hưởng chính sách hỗ trợ dưới mọi hình thức tại nơi ở và nơi làm việc. Quy định này rất khó kiểm tra trong nhiều năm qua, nhất là đối với người thay đổi nơi làm việc nhiều lần, do chỉ quy định kiểm tra tiêu chí này tại nơi ở và nơi làm việc. Theo đó, nhiều người dân kỳ vọng trong thời gian tới, sau khi thực hiện hoàn thành Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” sẽ kiểm tra được điều kiện đối tượng hưởng chính sách NƠXH chưa được hưởng hỗ trợ lần nào.
Cũng theo điều khoản trên, đối tượng hưởng chính sách NƠXH phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua hoặc thuê mua NƠXH hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà tối thiểu. Quy định này có kẽ hở, vì nếu một người nào đó muốn “lách” thì sẽ để cho người thân đứng tên giúp sở hữu nhà. Như vậy, người đó vẫn chứng minh được mình chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc có sở hữu nhà ở nhưng chật chội. Do đó, cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng để ngăn chặn được tình trạng người giàu tranh mua NƠXH với người có thu nhập thấp.
Hương Giang